UBND huyện Kiến Xương, Thái Bình, bị kiện

Bằng việc hủy quyết định hành chính đã ban hành gần 10 năm trước, UBND huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Bằng việc hủy quyết định hành chính đã ban hành gần 10 năm trước, UBND huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Khu đất của 15 hộ dân.
Khu đất của 15 hộ dân.

Sửa sai hay đẩy người dân vào… tranh chấp

Ngày 11/8/1995, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định (QĐ) 484 thu hồi 2.700m2 đất của Xí nghiệp gỗ Nam Thái giao cho UBND xã Hòa Bình lập quy hoạch khu dân cư. Trong năm 1995 và 1998, căn cứ các thủ tục và nghĩa vụ tài chính đã hoàn thành, UBND xã Hòa Bình lập hồ sơ và Phòng Địa chính huyện trình Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương ký 15 QĐ giao đất cho 15 hộ dân làm nhà ở. 
Đến tháng 1/2003, phát hiện đất của mình được UBND huyện Kiến Xương cấp sổ đỏ cho bà Vũ Thị Lương ở TP.Thái Bình nên các hộ dân khiếu nại và  Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương ký QĐ thu hồi sổ đỏ cấp cho bà Lương.
Sau khi vụ bán đất bị phát hiện, ngày 12/2/2004 UBND huyện Kiến Xương mời các hộ dân lên yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan thì các hộ dân trình các QĐ giao đất ở do Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương ký tháng 11/1995 và tháng 3/1998, còn hồ sơ xin mua, cấp đất do huyện và xã quản lý.
Nhưng UBND huyện Kiến Xương  cho rằng 15 QĐ cấp đất này “chưa đủ tính pháp lý” nên ngày 3/3/2004, Chủ tịch UBND huyện Phạm Anh Đức ký QĐ 79 hủy bỏ 15 QĐ mà Chủ tịch huyện tiền nhiệm ký năm 1995 và 1998, với lý do cấp đất không đúng tên người có đơn xin sử dụng đất, biên bản giao đất và nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước; không đủ thủ tục giao đất cho từng hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Nhà nước; không nộp tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính… theo quy định của Nhà nước đối với người được giao quyền sử dụng đất.
Từ năm 2004 các hộ dân liên tục khiếu nại lên UBND huyện và UBND tỉnh Thái Bình nhưng không được giải quyết triệt để. Ngày 28/1/2010, UBND huyện Kiến Xương có Công văn số 291 cho rằng các lô đất bị hủy bỏ QĐ đã được UBND huyện cấp cho người khác. Do đó, đây là tranh chấp quyền sử dụng đất… nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND.
Người dân tiếp tục khiếu nại và đến ngày 11/11/2011, UBND huyện Kiến Xương mới ra QĐ 1599 giải quyết,  theo đó giữ nguyên QĐ 79 về việc thu hồi đất đã cấp từ năm 1995 cho các hộ dân. Điều khó hiểu là ngày 18/7/2005 Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Phạm Anh Đức lại ký cấp sổ đỏ cho 15 chủ sử dụng đất khác!  

Thừa nhận sai nhưng... không sửa?

Các hộ dân khởi kiện ra TAND huyện Kiến Xương yêu cầu hủy bỏ QĐ 79. Sau 4 tháng thụ lý, TAND huyện Kiến Xương đã phải gia hạn thời gian đưa vụ án ra xét xử thêm 2 tháng. 
Làm việc với PLVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Nguyễn Mạnh Lực – người ký QĐ 1599 trả lời khiếu nại của các hộ dân – thừa nhận là có thiếu sót khi để vụ việc kéo dài. Theo ông Lực, vụ việc phát sinh từ năm 1993 khi huyện Kiến Xương, trực tiếp là xã Hòa Bình, giao cho ông Hoàng Văn Thảo và ông Nguyễn Văn Đức 2.700m2 đất thu tiền một lần.
Năm 2003, ông Đức và ông Thảo bán cho bà Lương phần đất đứng tên 15 hộ này và huyện cấp sổ đỏ cho bà Lương, nhưng sau đó đã thu hồi vì các bên thỏa thuận hủy việc chuyển nhượng. Huyện xác định bản chất sự việc là UBND xã thu tiền, giao đất cho hai ông Đức, Thảo. Việc chuyển nhượng cho 15 hộ không có biên bản giao đất, thủ tục không đầy đủ nên tháng 3/2004 đã ra QĐ 79 hủy 15 QĐ giao đất với các hộ này, xác định quyền sử dụng của ông Đức, ông Thảo. Việc 15 hộ phản ánh đã đưa tiền cho ông Đức, ông Thảo là tranh chấp dân sự.  Nhưng sau đó, rà soát lại thấy việc giải quyết của mình chưa hết trách nhiệm, UBND huyện đã giải quyết lại theo quy trình khiếu nại.  
Khi được hỏi hồ sơ giao đất của 15 hộ này thiếu những gì thì ông Lực cho biết hồ sơ thiếu giấy nộp tiền thể hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ dân. Tuy nhiên, theo các hộ dân thì họ đã nhờ ông Thảo, ông Đức và ông Mầm (cán bộ địa chính xã Hòa Bình)  nộp tiền sử dụng đất và thực tế tiền sử dụng diện tích đất này đã được nộp cho Nhà nước; bởi vậy, cùng với việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục từ cấp xã, qua Phòng địa chính thì Chủ tịch huyện lúc đó mới ký QĐ cấp đất theo đúng tên của 15 hộ, không hề có QĐ giao đất cho  ông Đức, ông Thảo. 
Đến nay, vụ kiện này vẫn chưa được xét xử. Chánh án TAND huyện Kiến Xương - Nguyễn Thiện Thái - cho biết, việc chậm giải quyết và phải gia hạn thời gian đưa ra xét xử do vụ án này phức tạp. Sự “phức tạp” này phải chăng là hậu quả của việc UBND huyện hủy QĐ giao đất cho dân của ông Chủ tịch huyện tiền nhiệm.

UBND huyện đã giải quyết đúng hướng đối với vụ việc chưa, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng về vấn đề này:

* Thưa Luật sư, ban hành một quyết định để “sửa sai” nhưng tại sao UBND huyện Kiến Xương vẫn bị kiện?

- Mặc dù ban hành quyết định “sửa sai” nhưng nội dung quyết định gây thiệt hại cho nhiều người hơn là giữ nguyên “quyết định sai” nên người dân mới khiếu nại. Nếu do lỗi của mình mà UBND huyện ra quyết định thu hồi đất thì có thể làm thiệt hại rất nghiêm trọng cho người dân, trong khi lỗi không thuộc về họ thì việc người dân khiếu kiện tất yếu phải xảy ra.

* Những trường hợp mà chính quyền địa phương có “lỗi” khi giao đất thì phương hướng giải quyết như thế nào là đúng pháp luật nhất, thưa ông?

- Nếu việc ban hành quyết định giao đất năm 1995, 1998 có khiếm khuyết do lỗi của cơ quan chuyên môn trong khi lập hồ sơ và các hoạt động nghiệp vụ hành chính liên quan đến việc giao đất cho người dân thì theo tôi, UBND huyện giải quyết theo hướng hoàn thiện thủ tục giao đất cho người dân và giữ nguyên quyền sử dụng đất của họ chứ không được thu hồi. Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại thì cũng phải đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong các tranh chấp, khiếu nại mới được thu hồi đất.

* Xin cảm ơn ông! 

Bình Minh

An Bình

Đọc thêm