UBND quận Đống Đa làm trái chỉ đạo của thành phố?

Báo PLVN số 279 ngày 23/10/2012 có bài “Dự án công viên Hồ Ba Mẫu: Dự án “tắc” do giải quyết khiếu nại “đặc thù”, phản ánh việc UBND quận Đống Đa chậm trễ báo cáo UBND TP Hà Nội để gỡ vướng cho trường hợp bị thu hồi đất khiến người dân bức xúc khiếu kiện. Qua xác minh, cho thấy việc bồi thường có dấu hiệu trái với chỉ đạo của UBND TP.

Báo PLVN số 279 ngày 23/10/2012 có bài “Dự án công viên Hồ Ba Mẫu: Dự án “tắc” do giải quyết khiếu nại “đặc thù”, phản ánh việc UBND quận Đống Đa chậm trễ báo cáo UBND TP Hà Nội để gỡ vướng cho trường hợp bị thu hồi đất khiến người dân bức xúc khiếu kiện. Qua xác minh, cho thấy việc bồi thường có dấu hiệu trái với chỉ đạo của UBND TP.

Dù chưa đồng thuận với Quyết định đền bù GPMB của UBND quận, nhưng gia đình ông Trần Việt Sơn đã bàn giao gần 40m2 để thực hiện dự án
Dù chưa đồng thuận với Quyết định đền bù GPMB của UBND quận, nhưng gia đình ông Trần Việt Sơn đã bàn giao gần 40m2 để thực hiện dự án

Vì sao một mình một ý?

Dự án xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu Công viên hồ Ba Mẫu (Đống Đa, Hà Nội) thu hồi của gia đình bà Trần Thị Minh Phương và ông Trần Việt Hà (số 63, ngõ 6A phường Trung Phụng) 133,3m2 trong tổng số 511,9m2 đất. Nhưng ông Trần Việt Sơn (em bà Phương, ông Hà ở cùng số nhà) khiếu nại rằng đất bị thu hồi là của mình, không liên quan đến bà Phương, ông Hà.

Ông Hà, bà Phương chỉ là người đứng tên còn thực chất 511,9 m2 đất được bố mẹ chia cho 4 anh chị em từ năm 2000, trước thời điểm có dự án và dự án thu hồi rơi đúng vào phần đất đã được chia cho riêng ông Sơn. Chính ông Hà, bà Phương cũng kêu oan cho em trai mình.

Khi đền bù cho trường hợp này, UBND quận Đống Đa cho rằng việc phân chia không qua chính quyền địa phương nên ông Sơn không được công nhận là chủ đất. Làm việc với PLVN, đại diện Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Đống Đa cho biết, ngoài giấy tờ không có cơ sở thì ý kiến của các ban ngành cũng không nhất trí ông Sơn là chủ đất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì lại khác.

Ông Bùi Hữu Công, Chủ tịch UBND phường Trung Phụng thời điểm gia đình chia đất cho biết: “Năm 2000 tôi đã  ký vào thỏa thuận phân chia đất của gia đình anh Sơn với tư cách người làm chứng. Sở dĩ lúc đó UBND phường không đóng dấu vì trong Đảng ủy và UBND phường có ý kiến cân nhắc do đất đã có qui hoạch tổng thể. Gia đình anh Sơn tin tưởng tôi là Chủ tịch UBND phường lâu năm, hiểu rõ nguồn gốc đất của gia đình nên đề nghị tôi làm chứng. Theo quy định thì chỉ khi nào có quyết định thu hồi đất thì quyền cho tặng, chuyển nhượng của người dân mới bị hạn chế. Vì vậy, tôi đề nghị quận nên xem xét công nhận thực tế chia đất của gia đình để tránh thiệt thòi cho anh Sơn”.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND phường Trung Phụng đương nhiệm Hà Anh Tuấn cho rằng, người dân ở đây đều khẳng định ông Sơn và các anh em đều ở trên mảnh đất: “UBND phường trong các cuộc họp cũng đề xuất bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân, cần xem xét yếu tố thực tế ăn ở của họ”. Trong các cuộc họp xác minh nguồn gốc đất, đại diện Mặt trận Tổ quốc phường, cảnh sát khu vực đều có ý kiến xác nhận gia đình ông Sơn ăn ở trên đất từ lâu và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét.

Các cơ quan nhà nước cấp cơ sở là cơ quan tường tận nguồn gốc đất của người dân nhất đã có chung quan điểm và ý kiến nhưng không hiểu sao UBND quận Đống Đa vẫn một mình một ý?

Chậm đến bao giờ?

Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Đống Đa từng cho biết, vụ việc này UBND quận cũng có “lăn tăn” và sẽ báo cáo UBND TP xin “đặc thù” cho gia đình bà Phương, ông Hà (không phải ông Sơn) một căn hộ tái định cư do bị mất nhiều đất. Song đến nay, UBND quận vẫn chưa có báo cáo gửi UBND TP dù người dân khiếu nại từ tháng 4/2012.

Theo chúng tôi, việc báo cáo xin một căn hộ tái định cư cho ông Hà, bà Phương là sai “địa chỉ”, bởi người khiếu nại và bị thiệt hại là ông Sơn. Mặt khác, dự án này không có chính sách tái định cư bằng căn hộ mà tất cả tái định cư đều được bố trí đất. Theo tìm hiểu, quỹ đất tái định cư đáp ứng đủ cho các hộ bị thu hồi đất, kể cả gia đình ông Sơn. Vậy UBND quận Đống Đa căn cứ vào đâu để xin căn hộ tái định cư?

Mặt khác, do tính chất dự án kéo dài hàng chục năm, qua nhiều lần chỉnh sửa nên UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong quá trình giải phóng mặt bằng phải tôn trọng thực tế, nắm nguyện vọng của dân để áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp, nếu cứng nhắc sẽ gây trì trệ, kém hiệu quả cho dự án. Đối chiếu với trường hợp của ông Sơn, rõ ràng UBND quận Đống Đa đang đi ngược lại chỉ đạo trên khi không xem xét điều kiện thực tế của gia đình này mà cứ bắt bẻ chuyện giấy tờ không đủ.

Dự án công viên hồ Ba Mẫu đã kéo dài trên 20 năm, qua 4 chủ đầu tư và 3 lần điều chỉnh quy hoạch nên ở giai đoạn này dự án đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành. Nhưng nếu cứ cách giải quyết quyền lợi người dân như trường hợp nêu trên chắc chắn dự án lại phát sinh những phức tạp không đáng có.

Đại diện chủ đầu tư, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng) cho biết: “Tôi rất sốt ruột vì dự án này kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Quan điểm của tôi là cần vận dụng tối đa các qui định để tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tôi đã  khảo sát thực tế đất ở của gia đình anh Sơn và trường hợp này nếu không căn cứ vào điều kiện thực tế thì không giải quyết được. UBND quận Đống Đa đến nay chưa báo cáo thành phố để “gỡ” là quá chậm, người dân không bàn giao đất, ảnh hưởng đến dự án. Nếu cứ kéo dài thế này, chủ đầu tư sẽ có báo cáo riêng gửi UBND TP”.

Quý Thủy

Đọc thêm