UBND tỉnh Kiên Giang bị tố “mượn” đất của dân không trả

Năm 1985 UBND tỉnh Kiên Giang trưng dụng đất của người dân giao cho Xí nghiệp sản xuất phân lân sử dụng. Điều đáng nói là việc trưng dụng này không có văn bản quyết định nào, nên hiện nay UBND tỉnh lúng túng không giải quyết được khi người dân khiếu kiện đòi lại đất.

Năm 1985 UBND tỉnh Kiên Giang trưng dụng đất của người dân giao cho Xí nghiệp sản xuất phân lân sử dụng. Điều đáng nói là việc trưng dụng này không có văn bản quyết định nào, nên hiện nay UBND tỉnh lúng túng không giải quyết được khi người dân khiếu kiện đòi lại đất.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Diện tích đất nói trên do ông Tăng Ký Tường đứng tên trong sổ bộ từ thời Pháp thuộc. Ông Tường chết, con ông là Tăng Điền Thủy cùng vợ Phạm Thị Ngọc Anh ngụ tại 418 E Phi Kinh-Vĩnh Hiệp-Tp Rạch Giá-Kiên Giang được thừa kế. Sau 30/4/1975 vợ chồng ông Thủy tiếp tục tăng gia sản xuất trên phần đất do cha ông để lại.

Ngày 13/11/1985 UBND tỉnh tiến hành đo đạc và lấy 8.776 m2 đất giao cho Công ty Phân lân II quản lý và sử dụng. Việc lấy đất dân giao cho thành phần kinh tế nhà nước lúc này hoàn toàn không có một văn bản quyết định nào ngoài biên bản đền bù hoa màu trên đất do Phó giám đốc Xí nghiệp sản xuất phân lân ký. Công ty phân lân sau đổi tên thành Công ty Kiên An, công ty này hoạt động đến 1998 thì giải thể.

Năm 2001, UBND tỉnh lấy phần đất này cho Công ty Xi măng Hà Tiên thuê với thời hạn là là 50 năm. Tuy nhiên Công ty Xi măng Hà Tiên chỉ sử dụng đến năm 2007 thì không sử dụng nữa và bỏ hoang diện tích đất này. Thấy đất bị bỏ hoang bà Ngọc Anh đến trồng hoa màu trên diện tích này và bắt đầu đi khiếu kiện xin nhà nước trả lại đất cho mình vì đất đai hoang hóa, lãng phí tài nguyên.

Ngày 19/9/2011 UBND tỉnh ra thông báo số 405/TB-UBND cho rằng: Việc khiếu nại của bà Anh không phù hợp với Quyết định số 201/CP ngày 1/7/1980 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Bà Anh tiếp tục khiếu nại vì theo Điều 3 của Quyết định 201 thì đất bà không nằm trong diện bị thu hồi hay trưng dụng do không có bất kỳ văn bản pháp luật nào. Hơn nữa, theo Điểm c Điều 3 của quyết định này thì trường hợp đất bà Anh bị trưng dụng Nhà nước phải cấp một diện tích đất ở địa điểm khác tương ứng cho bà sử dụng.

Ngày 28/11/2012 UBND tỉnh Kiên Giang lại ra Thông báo số 553/TB-UBND cho bà Anh biết rằng: UBND tỉnh giao trách nhiệm giải quyết vụ việc về cho UBND thành phố Rạch Giá giải quyết. Sau khi thanh tra, xem xét, ngày 16/1/2013 UBND thành phố Rạch Giá ban hành Quyết định 02/QĐ-UBND, theo đó: căn cứ Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2003, bác toàn bộ đơn khiếu nại của bà Anh, lý do đơn khiếu nại của bà Anh “không phù hợp với Luật Đất đai”?

Bà Anh bức xúc nói: “Khi Nhà nước trưng thu đất của tôi đâu có theo qui định luật pháp hiện hành. Vì theo văn bản qui phạm pháp luật lúc đó thì Nhà nước phải hoán đổi cho tôi một diện tích đất tương ứng nơi khác. Nay tôi yêu cầu UBND tỉnh phải hoán đổi đất cho tôi, nếu đất tôi không sử dụng thì trả cho tôi hoặc bồi thường tương ứng”.

Về vụ việc này, một luật gia nhận định: “UBND tỉnh Kiên Giang có nhiều vấn đề cần xem xét lại. Tại thời điểm UBND tỉnh trưng dụng đất của người dân đã không thực hiện đúng luật định tại thời điểm trưng dụng. Năm 2001, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Công ty Xi măng Hà  Tiên là sai qui trình. Vì muốn cấp sổ đỏ cho Công ty Xi măng Hà Tiên thì UBND tỉnh phải ra quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất này. Khi đó diện tích đất này thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh thì UBND tỉnh mới có quyền cấp cho ai, cho ai thuê và cấp sổ đỏ cho tổ chức, đơn vị được sử dụng. Cuối cùng là thẩm quyền giải quyết khiếu nại của bà Anh. Khi trưng dụng đất của bà Anh là cấp tỉnh trưng dụng thì giải quyết khiếu nại phải là cấp tỉnh chứ không thể đùn đẩy cho UBND thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh”.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Kiên Giang nên xem xét lại vụ việc để giải quyết đúng thẩm quyền, đúng luật định.

Ngọc Long

Đọc thêm