Bạn đọc Vũ Kiên (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hỏi: Gia đình tôi hiện có tranh chấp đất đai với hộ gia đình hàng xóm. Hai bên đã thỏa thuận nhiều lần mà không có tiếng nói chung nên đầu năm 2020, tôi viết đơn đề nghị UBND xã tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, khi tôi nộp đơn thì UBND xã trả lại đơn và yêu cầu phải hòa giải tại thôn/xóm trước. Vậy UBND xã giải quyết như vậy có đúng quy định không? Nếu UBND xã từ chối hòa giải, chúng tôi phải làm thế nào?
UBND xã từ chối hòa giải là không đúng quy định
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 202 quy định “1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Như vậy có thể thấy việc hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở được Nhà nước khuyến khích các bên hòa giải. Một phần bởi lý do những người tại cơ sở có thể nắm bắt được ít nhiều về nguồn gốc sử dụng đất và quá trình sử dụng đất của một trong các bên tranh chấp hoặc các bên tranh chấp.
Còn tại khoản 2 Điều 202 quy định “2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”. Như vậy, một trong các bên có quyền gửi đơn đề nghị đến UBND cấp xã nơi có thửa đất tranh chấp đề nghị hòa giải theo quy định của pháp luật.
“Do đó, trong trường hợp người dân gửi đơn đề nghị hòa giải đến UBND cấp xã nhưng bị từ chối với lý do chưa hòa giải tại thôn/xóm trước là không đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này, bạn có thể khiếu nại hành vi trên của UBND xã theo Luật Khiếu nại năm 2011” – Luật sư Hùng cho biết.
Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND xã
Về thủ tục giải quyết, LS Nguyễn Đức Hùng cho biết, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được hướng dẫn tại Điều 88 Nghị định số 43/2014 và được sửa đổi bởi Nghị định số 01/2017.
Cụ thể, khi nhận được đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai của một trong các bên thì UBND cấp xã nơi có thửa đất tiến hành việc hòa giải như sau:
1. Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
2. Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.
Tiếp đó, tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lưu ý, việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận. Kết thúc, Biên bản hòa giải phải có chữ ký của các bên liên quan tại buổi làm việc.
Luật sư Hùng cho biết, theo quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 202 của Luật Đất đai.
Còn trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo. Thời hạn tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.