UKVFTA: Cơ hội đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường xuất khẩu tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng. Với các ưu đãi thuế quan đáng kể, hiệp định giúp gia tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam tại thị trường Anh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, sau Hà Lan và Đức. Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt hơn 5,05 tỷ USD, tăng 23,5%. Điều này cho thấy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã mở rộng cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường tiềm năng này. Với các ưu đãi thuế quan đáng kể, UKVFTA đã giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh tại Anh.

Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng vào Anh thể hiện khả năng cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng dư địa thị trường và lợi thế từ UKVFTA. Hiện, nhiều mặt hàng Việt Nam như dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và phụ tùng đang dần chiếm lĩnh thị trường Anh. Ngoài ra, một số mặt hàng khác, bao gồm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắt, và thép, cũng có triển vọng tăng trưởng tích cực.

Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hoá Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh như: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay một số các nước Nam Mỹ.

Đặc biệt, gần đây, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng trưởng tích cực tại thị trường Anh nhờ sự phục hồi của kinh tế, sản xuất, xuất nhập khẩu mang lại những tín hiệu lan toả rất tốt.

Tuy nhiên, hiện thị phần hàng hoá Việt Nam tại thị trường Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Một trong những nguyên nhân do nhận diện thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại thị trường này còn thấp, Việt Nam chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính.

Bí thư thứ nhất Hoàng Lê Hằng - Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ai-len) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi tiếp cận thị trường Anh như tình hình kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát, thu nhập của người dân Anh giảm, hạn chế tiêu dùng; yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; yêu cầu về sản xuất thân thiện môi trường chứng chỉ xanh...

Về vấn đề Việt Nam đang tăng trưởng tích cực tại thị trường Anh, nhưng thị phần hàng hoá Việt Nam tại thị trường Anh chỉ chiếm chưa đến 1%, theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đưa ra 4 vấn đề doanh nghiệp phải làm như: Tư duy của chủ doanh nghiệp về xây dựng thương hiệu; chiến lược; nguồn lực và định hướng.

Để xây dựng phát triển thương hiệu và phát triển gia tăng thị phần tại thị trường Anh doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường, quan tâm đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ là chìa khóa quan trọng để xây dựng chỗ đứng hàng Việt tại Anh.

Đọc thêm