Ứng dụng số gia tăng sức hút cho di tích ở Hà Nội
Thời gian qua, các hoạt động tích cực chuyển đổi số lĩnh vực du lịch đã đem lại những trải nghiệm thuận tiện và hấp dẫn hơn cho du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô. Đặc biệt tại những điểm du lịch tham quan, thắng cảnh quan trọng tại Hà Nội, thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, chiêm bái, việc áp dụng công nghệ được nhiều du khách ủng hộ và đánh giá cao.
Đơn cử, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và đền Quán Thánh là những điểm đến đầu tiên đã thành công triển khai hệ thống vé điện tử nhằm phục vụ khách tham quan, với sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch). Kể từ khi áp dụng, du khách chỉ cần quét vé có mã QR hợp lệ, cổng sẽ tự động mở để du khách vào di tích. Hơn nữa, cả một đoàn khách đông cũng chỉ cần mua 01 vé duy nhất thay vì mỗi người một vé như trước đây, vé được in với kích thước rất nhỏ, chỉ chứa mã QR để quét ở cổng vào. Qua quá trình vận hành, hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan này đã phát huy tác dụng tốt mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi, công khai, minh bạch, bảo vệ môi trường.
Một du khách Hà Lan mới đây đã chia sẻ với báo chí sau chuyến tham quan vào đền Quán Thánh như sau: “Tôi rất ưng ý khi được trải nghiệm hệ thống vé điện tử tại đền Quán Thánh. Với tôi, đây là một hệ thống hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện cho du khách từ khâu bán vé đến soát vé. Tôi sẽ tiếp tục ưu tiên lựa chọn những điểm đến, di tích có hệ thống vé điện tử bởi những hữu ích mà hệ thống này mang lại cho du khách”. Đồng tình với ý kiến này, nhiều du khách nước ngoài cũng mong muốn đến những điểm đến có vé điện tử bởi những lợi ích mà công nghệ này mang lại, ví như tránh được tình trạng giá vé tăng giảm thất thường hoặc phải xếp hàng chờ lâu, ảnh hưởng đến trải nghiệm tại điểm đến.
Đáng nói, Hà Nội vốn được mệnh danh là thành phố di sản do sở hữu nguồn tài nguyên di sản giàu có, đa dạng bậc nhất của Việt Nam, ước tính 5.922 di tích lịch sử văn hoá. Việc áp dụng công nghệ, dù bước đầu chỉ là những thay đổi nhỏ như số hoá vé tham quan, cũng có thể đem đến nhiều kết quả tích cực, là điểm nhấn thu hút du khách, đặc biệt đối với những dòng khách khó tính và có khả năng chi trả cao, ưa chuộng những thủ tục giản đơn, thuận tiện để có thể tập trung vào trải nghiệm du lịch.
Trong đó có thể kể tới hoạt động số hoá các di tích lịch sử của Thủ đô trong những năm gần đây ngày càng trở nên sôi nổi, đặc biệt thời điểm trong và sau dịch. Việc đẩy mạnh số hoá không chỉ góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý mà còn giúp người dân trong và ngoài nước thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống của Việt Nam thông qua môi trường Internet.
Ví dụ, tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, du khách chỉ cần quét mã QR đơn giản thì sẽ ngay lập tức có thể tiếp cận được những thông tin đầy đủ, chi tiết về điểm đến lịch sử này, thông qua công nghệ hình ảnh 360 độ hiện đại kết hợp các video, âm thanh và hình ảnh 2D. Ứng dụng có các ngôn ngữ như tiếng Việt và tiếng Anh để mọi người có thể lựa chọn, phù hợp với người Việt Nam và người nước ngoài. Giải pháp công nghệ này đã thực sự đem đến một “làn gió mới” cho người tham quan, thay vì trước đây họ cần phải kè kè đi bên cạnh những người thuyết minh để có thể hiểu rõ hơn các giá trị lịch sử của những hình ảnh, hiện vật trưng bày thì nay họ có thể tiếp cận được với những nội dung đó thông qua chiếc điện thoại thông minh của mình.
Ngoài Hoàng Thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã tích hợp hướng dẫn viên du lịch ảo để có thể cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích đến những du khách có nhu cầu tìm hiểu và tham quan các địa điểm này. Ngoài ra, các ứng dụng quét mã QR, cung cấp thông tin chi tiết về các điểm đến nổi tiếng khác tại Hà Nội cũng ngày càng phổ biến, giúp cho khách tham quan, và cả khách vãng lai, đều có thể tương tác với điểm đến, hiểu về điểm đến một cách tường tận nhất có thể, thông qua công nghệ.
Trả lời báo chí, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho hay: “Hiện nay bắt đầu triển khai số hóa 322 địa chỉ đỏ trên toàn thành phố Hà Nội, cùng với đó tại các địa bàn 30 quận, huyện thì sẽ triển khai việc số hóa các di tích trên địa bàn, đảm bảo tính đồng bộ thông tin một cách thống nhất, để thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương, của Thủ đô; đồng thời xây dựng dữ liệu chung của di tích, các địa chỉ đỏ trên địa bàn Hà Nội, phục vụ cho công việc trước mắt và lâu dài”.
Trí tuệ nhân tạo thay đổi trải nghiệm khách hàng
Hiện nay, những ứng dụng về trí tuệ nhân tạo (AI) đang là mối quan tâm hàng đầu của phần đông dư luận trong thời gian gần đây, kể từ sau sự “bùng nổ” của ChatGPT và những sản phẩm tương tự kể từ cuối năm 2022 đến nay. Trong du lịch, AI cũng mang đến những trải nghiệm bất ngờ.
Nữ du khách Singapore sử dụng Notion AI để lên lịch trình du lịch Việt Nam. (Ảnh: cắt từ clip nhân vật) |
Mới đây, cộng đồng mạng phải trầm trồ về câu chuyện của Mel, một nữ du khách Singapore, đã dùng công cụ AI để lên lịch trình chi tiết đi du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày. Theo AsiaOne, Mel chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam, và chỉ đưa ra một số yêu cầu “vô cùng đơn giản” cho chuyến đi như nơi muốn đến là Hà Nội, Sa Pa, Vịnh Hạ Long và ngày tới, ngày về. Tất cả những gì còn lại, nữ du khách sử dụng phần mềm nhắn tin Notion AI và nhận được một lịch trình chi tiết từng ngày với chú thích rõ ràng.
Ví dụ, những việc cần làm trong ngày đầu tiên gồm nhận phòng khách sạn, khám phá khu phố cổ và thăm hồ Hoàn Kiếm. Những ngày tiếp theo, Notion AI đưa ra nhiều đề xuất về các địa điểm có thể tham quan, các quán ăn và thậm chí cả những quán bán đồ ăn nước ngoài đề phòng trường hợp khách không hợp với đồ ăn địa phương. Phần mềm AI này cũng đủ “thông minh” để không làm cho lịch trình bị quá tải.
Mel thừa nhận chính cô cũng cảm thấy bất ngờ về kết quả này. Đoạn video liên quan tới chuyến du lịch Việt Nam của Mel đã thu hút 1,3 triệu lượt xem và hàng trăm bình luận. Trong đó nhiều người đã khen ngợi sự “thông minh” của trợ lý ảo AI khi đã lên một kế hoạch thú vị cho nữ du khách. Mel cho biết thêm, cô sẽ không đi theo lộ trình này một cách mù quáng nhưng những gợi ý này giúp cô bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu thêm về các điểm đến được đề xuất trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đáng nói, những câu chuyện như Mel không phải hy hữu. Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của công nghệ AI nói riêng và khoa học công nghệ nói chung, đã ảnh hưởng lớn, thậm chí thay đổi hoàn toàn hoạt động du lịch trên toàn cầu. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) từng nhận định AI có thể giúp phục hồi ngành du lịch sau COVID-19. Rất nhiều công ty đã ứng dụng công nghệ AI để tìm kiếm khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ bởi thực tế cho thấy khách du lịch ngày càng sử dụng công nghệ nhiều hơn. Thống kê của Google Travel cho biết khoảng 74% du khách sử dụng Internet để lên kế hoạch chuyến đi; theo TripAdvisor, hơn 45% người sẽ sử dụng điện thoại thông minh để đặt các kỳ nghỉ, hơn 36% khách hàng có thể chi trả nhiều hơn nếu giao dịch dễ dàng và tương tác tốt.
Những lợi ích rõ thấy từ các công cụ AI như có thể tư vấn tự động 24/24, xử lý và phân tích dữ liệu lớn, cung cấp các giải pháp tự động khi có sự cố bất ngờ, … Một số ví dụ điển hình có thể kể đến nền tảng đặt phòng trực tuyến Booking.com cho biết, chỉ chưa đầy 5 phút công cụ chatbots của họ có thể trả lời 30% câu hỏi phổ biến của khách hàng như “Thời tiết ở đó như thế nào?”, “Tôi có thể làm gì với 200USD?”. Không chỉ vậy, chatbots còn có thể cung cấp chi tiết các chuyến bay, xe thuê, các chọn lựa về hành trình và thậm chí đề xuất những hoạt động mới trong chuyến đi. Những phần mềm AI này có thể thu nhận dữ liệu, học hỏi và ngày càng trở nên thông minh hơn sau mỗi lần tương tác với khách.