Ước tính cả nước phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch dịp nghỉ lễ 2/9

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH,TT&DL ngày 5/9 cho thấy, trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh (từ ngày 1 - 4/9), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch. Chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố cơ bản tương đương cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá, chủ yếu tập trung vào ngày 1 - 2/9. Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục dẫn đầu lượng khách trong 4 ngày nghỉ lễ. Một số địa phương khác ghi nhận lượng khách tăng cao như: Khánh Hòa (ước tăng 141% so với năm ngoái), Bà Rịa - Vũng Tàu (ước tăng 36,5%), Quảng Ninh (ước tăng 150%), Thanh Hóa (ước tăng 26,6%)… Tuy nhiên, năm nay, một số địa phương ghi nhận lượng khách giảm, nhất là Kiên Giang do thời tiết không thuận lợi. Khách tới địa phương này giảm 32,9% so với cùng kỳ. Công suất trung bình của cơ sở lưu trú ước đạt 27%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 153 tỷ đồng.

Năm nay, du khách phía Nam đã quan tâm, chuyển hướng lựa chọn các sản phẩm tour ngắn ngày trải nghiệm mùa lúa chín, trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao tại các điểm đến ở khu vực Đông - Tây Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Mộc Châu (Sơn La),… Điều này chứng tỏ hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch liên vùng đã bước đầu đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hoá tại một số điểm di tích như: Cao nguyên (Măng Đen, Kon Tum), dọc di sản miền Trung (Huế - Hội An) đã và đang ghi nhận tín hiệu tích cực, thu hút được chủ yếu đối tượng khách du lịch gia đình, nhóm nhỏ.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, cả nước cũng không ghi nhận sự cố hay vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Hiện tượng tăng giá, ép giá hay “chặt chém”, lừa đảo du khách không diễn ra. So với cùng kỳ năm 2022, lượng khách năm nay giảm khoảng 16,7%. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 55%; riêng hai ngày 1 - 2/9, đạt trên 60%. Một số địa phương trọng điểm du lịch dịp lễ năm nay không thu hút được lượng khách như kỳ vọng, dẫn tới lượng tổng lượng khách giảm so với cùng kỳ. Đó là do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng (máy bay, tàu) trong khi giá dịch vụ vận chuyển tăng trong những ngày cao điểm.

Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trước lễ đã có thông tin cảnh báo mưa lớn, ảnh hưởng của bão số 3 (Saola) tại khu vực miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến tàu tới nhiều khu, điểm du lịch đảo phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, khách hủy tour, thay đổi lịch trình sang điểm đến khác. Một bộ phận khách chỉ chọn đi gần và đi tự túc gần nhà, ngay tại nơi sinh sống. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ sát với lễ Vu lan, cận ngày tựu trường, đồng thời khách nội địa vừa trải qua kỳ du lịch hè nên nhiều khách lựa chọn về quê và sum họp gia đình trong dịp nghỉ lễ.

Lượng khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch vào dịp nghỉ lễ cơ bản tăng. Cụ thể, Đà Nẵng ước đón 78.900 lượt khách quốc tế; Hà Nội ước đón hơn 41.700 lượt (tăng 83,6% so với cùng kỳ); TP Hồ Chí Minh ước đón 37.600 lượt (tăng 15%); Khánh Hòa ước đón 23.450 lượt (tăng 363,34%)... Trong đó, khách quốc tế chủ yếu mang các quốc tịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4 - 5 đêm. Đây là tín hiệu khả quan cho mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam từ tháng 10 sắp tới.

Đọc thêm