Có nên ép toàn bộ các công ty đại chúng (CTĐC) lên sàn UPCoM hay không là câu chuyện đang được cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan quan tâm, thể hiện bước chuyển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sẽ thu hẹp dần thị trường tự do
Trước đây, nếu muốn tham gia UPCoM, công ty phải đăng ký CTĐC với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đăng ký lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, có tối thiểu 1 công ty chứng khoán (CTCK) cam kết hỗ trợ.
Tuy nhiên, từ ngày 19/7/2010, để mở rộng thị trường này, điều kiện tham gia UPCoM đã được nới lỏng, bỏ quy định bắt buộc phải có CTCK cam kết hỗ trợ. UPCoM cũng được kéo dài thời gian giao dịch, cho phép khớp lệnh liên tục, giao dịch trực tuyến…
|
Chia sẻ với các đồng nghiệp trong Hội thảo tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng TTCK Việt Nam do UBCKNN và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức mới đây, đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền về thị trường UPCoM để thu hút giới đầu tư cũng như các DN tham gia.
Sở sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy định nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của Luật Chứng khoán, tăng cường hiệu quả hoạt động của UPCoM như quy định các CTĐC sau khi đăng ký lưu ký phải thực hiện giao dịch trên thị trường có tổ chức, bổ sung các chế tài xử phạt đối với các công ty vi phạm nghĩa vụ đăng ký CTĐC, kiến nghị thay đổi quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch…
Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN - cho biết cơ quan này đang tập trung các giải pháp nhằm phát triển thị trường có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do. Trước mắt, bắt buộc các CTĐC phải đăng ký với UBCKNN và đăng ký lưu ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký, gắn chào bán ra công chúng với đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường tập trung.
Chọn lượng…
Thế nhưng, quan điểm của UBCKNN như ông Sơn nêu ra lại nhận được những phản hồi khác nhau từ các chuyên gia chứng khoán quốc tế. Ông Tyge Vorstrup Rasmussen - chuyên gia tư vấn của ADB – từ kinh nghiệm nhiều năm làm Giám đốc Sở GDCK Copenhagen (Đan Mạch) và nắm giữ cương vị Chủ tịch Liên minh Các Sở GDCK Bắc Âu, cho rằng, Việt Nam không nên ép các CTĐC phải đưa chứng khoán lên sàn bằng quy định pháp lý.
Trong khi pháp luật Việt Nam quy định, CTĐC - cũng giống như các công ty niêm yết và đăng ký giao dịch - không được phép giao dịch phi tập trung cổ phiếu, thì theo thông lệ quốc tế, việc chỉ một phần nhỏ các CTĐC lựa chọn giao dịch tập trung cổ phiếu được coi là bình thường. "Quá tập trung tìm kiếm một giải pháp hoàn hảo có thể dẫn đến làm hỏng giải pháp tốt", ông Tyge Vorstrup Rasmussen nhấn mạnh.
Theo ông Tyge Vorstrup Rasmussen, UPCoM mới hoạt động 1,5 năm mà đã có trên 100 công ty đăng ký giao dịch, tốc độ phát triển tăng 33% so với năm trước là một kết quả gần như mọi Sở GDCK trên thế giới đều mong muốn. Xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam hiện có hơn 600 DN niêm yết, đăng ký giao dịch là một kết quả rất tốt. Nhưng ông cũng cho rằng, nếu Việt Nam có 4.000 - 5.000 CTĐC, thì khoảng 1.000 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch trên 2 Sở GDCK là phù hợp.
… hay chất?
Ông Rasmussen cho rằng, có một cách hay hơn để phát triển UPCoM, đó là tạo điều kiện để thị trường trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn hơn. Bài toán “chọn lượng hay chất” mà TTCK Việt Nam đang phải giải cũng chính là vấn đề mà rất nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có điều kiện tương đương, như Ba Lan chẳng hạn. UBCKNN nên xem xét đến việc tận dụng những ưu điểm của thị trường tự do vào UPCoM như cho phép mua bán trong cùng ngày, cho phép bán chứng khoán trước T+4, triển khai các nghiệp vụ bán khống/ký quỹ, xem xét kéo dài thời gian giao dịch…, từ đó hấp dẫn dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế.
Thu Hường