Để phổ biến pháp luật cho người dân miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì ngoài việc đưa lực lượng từ nơi khác đến tuyên truyền, cần huy động, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ như đội ngũ già làng, trưởng bản, hòa giải viên, cán bộ xã…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Phổ biến pháp luật: “Mùa nào thức ấy”
Tuyên truyền pháp luật cho người dân miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì vấn đề quan trọng luôn song hành đó là phổ biến cái gì và như thế nào. Đối với bà con khu vực biên giới thì không thể đem Luật Biển ra tuyên truyền và ngược lại. Cái người dân cần ngoài những vấn đề vĩ mô (như chủ quyền quốc gia, biên giới, hải đảo…) thì đó còn là những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của họ như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, hộ tịch, quốc tịch, Luật Nghĩa vụ quân sự…
Xác định đúng nội dung tuyên truyền, vấn đề còn lại là phổ biến những nội dung đó như thế nào. Thời gian qua, có nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả với những dối tượng này như tuyên truyền miệng, qua hệ thống loa truyền thanh, phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, qua chợ phiên, trợ giúp pháp lý lưu động…
Ngoài ra, việc lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) với việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, các phong trào, lễ hội truyền thống tiếp tục được duy trì và đã có những nét mới. Nhiều địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với các phong trào ở từng địa bàn cụ thể như phong trào "bốn không": Thôn, làng không có người vi phạm pháp luật; không có khiếu kiện trái pháp luật, đông người, kéo dài; không có người vượt biên trái phép; không có người tham gia tổ chức phản động Fulro (Gia Lai); phong trào 3 không :"không tin, không theo, không nghe" (Lâm Đồng); triển khai mô hình "điểm sáng vùng cao" (Nghệ An), lồng ghép phổ biến pháp luật trong các lễ hội truyền thống, văn hoá như "lễ hội ăn thề với rừng" (Gia Lai, Lào Cai), tuyên truyền pháp luật trên thuyền văn hoá (Cần Thơ), "lễ hội văn hoá miền biển" (Bình Định)...
“Mùa nào thức ấy”, ngành Tư pháp cũng như các ngành liên quan đã chủ động trong việc đưa nội dung pháp luật để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, của đất nước.
Chuyên đề Dân tộc và Miền núi của Báo Pháp luật Việt Nam - một ấn phẩm mới tích cực tham gia PBGDPL cho người dân miền núi, vùng đặc biệt khó khăn |
Đề cao già làng, trưởng bản
Thống kê cho thấy, lực lượng làm công tác tuyên truyền pháp luật trong cả nước hiện rất đông đảo. Đó là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp (riêng ở cơ sở con số đã lên tới hàng trăm ngàn người). Đó còn là hơn 1 vạn cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, là khoảng 700 ngàn hòa giải viên…chưa kể cán bộ các ngành khác tham gia công tác tuyên truyền pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay cái khó nhất trong công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và cho người miền núi, vùng sâu, xa, vùng khó khăn nói riêng, theo Bộ Tư pháp vẫn là nguồn lực về con người và kinh phí. Để đi đến những vùng khó khăn đó, chi phí không phải nhỏ, bởi giao thông khó khăn, cách trở, con người có hạn. Vì vậy, việc đầu tư phát triển, sử dụng nhân lực tại chỗ được tính đến như một phương án tối ưu.
Dự thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ngoài xác định nội dung, hình thức cần tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn chỉ rõ: Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định trách nhiệm của Bộ đội biên phòng phối hợp với UBND các cấp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào tại khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo.
Việc quan tâm tìm kiếm, sáng tạo khơi gợi những nguồn lực tại chỗ chắc chắn sẽ đem lại sức mạnh mới cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới...
Thực hiện Đề án: “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay” có 24 xã, phường, thị trấn của 8 tỉnh, thành phố thực hiện chỉ đạo điểm đã tổ chức, vận động được 26.022 hộ gia đình ký Bản cam kết không vi phạm pháp luật. Theo kết quả kiểm tra và báo cáo của cơ sở, đến nay, sau khi các hộ gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật, chưa có hộ gia đình, cá nhân nào vi phạm pháp luật, tình hình trật tự an ninh ở địa phương được giữ vững. (Nguồn: Báo cáo 10 năm thực hiện công tác Phổ biến giáo dục pháp luật- Bộ Tư pháp) |
Hương Bằng