- Ngày 21/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Chương trình 504); tiếp đó, ngày 22/12/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2338/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (BCĐ 504, nay là BCĐ 701) do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Đại tá cho biết kết quả 10 năm thực hiện Chương trình?
- Chương trình 504 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Do vậy, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã có những bước tiến vượt bậc; diện tích ô nhiễm ngày càng thu hẹp lại, số vụ tai nạn do bom, mìn, vật nổ gây ra giảm dần.
Trong thời gian 10 năm qua, thành tựu rất nhiều, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ cũng như thành tựu của quân đội trong khắc phục hậu quả chiến tranh rất lớn. Cụ thể: Hoàn thành công tác điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và công bố năm 2018. Giai đoạn 2010-2020, Quân đội phối hợp khảo sát và rà phá bom mìn, vật nổ được 485.240 ha, với tổng giá trị khoảng 12.614 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều chính sách, chế độ, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai như chế độ trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom, mìn nặng; tiếp nhận nạn nhân vào các cơ sở bảo trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ mai táng cho các gia đình nạn nhân bom, mìn; miễn giảm học phí, cấp đồ dùng học tập cho các nạn nhân là học sinh đang học tập tại các trường phổ thông…
Đại tá, TS. Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam. |
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, bao gồm nạn nhân bom, mìn, nạn nhân chất độc hóa học. Đến hết năm 2019, đã có gần ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hằng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, học nghề, hỗ trợ sinh kế...; hỗ trợ trực tiếp cho hơn 5.800 trường hợp nạn nhân bom, mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác với tổng số kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Dự kiến trong Quý 3/2021, VNMAC sẽ phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Giang tổ chức hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân bom, mìn; triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt khối lượng khoảng 800 nghìn ha, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng.
-10 năm qua, Quân đội trực tiếp là VNMAC đã thực hiện tốt hoạt động đối ngoại quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn. Đại tá cho biết kết quả thực hiện?
- Trong 10 năm qua, Việt Nam đã nhận được sự tài trợ của các nước và các tổ chức quốc tế về nhân lực và kinh tế trong hoạt động rà phá bom mìn. Có thể kể, các dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản rà phá bom mìn tại Quảng Trị và Hà Tĩnh, khảo sát, rà phá được 3.240 ha; của Chính phủ Hàn Quốc tại tỉnh Quảng Bình và Bình Định đã khảo sát kỹ thuật khoảng 20.000 ha và rà phá hơn 8.000 ha. Ngoài ra, còn có các dự án khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn do các tổ chức quốc tế thực hiện tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam được hơn 80.000 ha với tổng ngân sách hơn 1.610 tỷ (tương đương 70 triệu USD).
Đến nay, các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ hơn 100 triệu USD. Số kinh phí tài trợ này bằng 1/10 ngân sách Việt Nam chi khắc phục hậu quả bom mìn.
- Đại tá cho biết về nhiệm vụ kép: Rà phá bom mìn và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) tại Hà Giang thời gian tới?
- Cuộc chiến tranh biên giới những năm 1979 - 1989 rất ác liệt. Riêng Hà Giang-địa bàn trọng điểm đã có hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh. Tuy nhiên, mới chỉ tìm kiếm, quy tập được hơn 2.000 HCLS. Hiện còn khoảng 2.000 HCLS đang nằm rải rác ở những khu vực bị ô nhiễm mìn rất nặng, rất khó tìm kiếm, quy tập.
Năm 2019, Quân đội chính thức đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội phê chuẩn một khoản kinh phí để rà phá bom mìn tại một số khu vực của tỉnh Hà Giang.
Mục tiêu sắp tới là cố gắng quy tập thu thập khoảng 600 bộ hài cốt ở điểm cao Vị Xuyên-điểm cao quan trọng nhất do lực lượng Quân khu 2 phối hợp với một số đơn vị thực hiện làm theo nhiệm vụ: vừa tìm kiếm quy tập HCLS, vừa rà phá bom mìn. Đến nay, đã quy tập được khá nhiều hài cốt, nhưng còn cần phải phân tích AND để xác định danh tính liệt sĩ. Phương châm đặt ra là không để bộ đội và nhân dân hy sinh ở Hà Giang trong quá trình thực hiện dự án.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ Quốc phòng chủ trương tiếp tục rà phá bom mìn khu vực Hà Giang, tại các huyện như Yên Minh, Xín Mần - những điểm rất nóng nhưng trước chưa làm được.
Thứ hai, cố gắng tìm và huy động các nguồn lực quốc tế. Do địa hình Hà Giang phức tạp, toàn núi đá, các cao điểm nằm trên các đỉnh núi cao nên các tổ chức quốc tế khác từ chối đến nơi khó khăn, hiểm trở và nguy hiểm này. Hiện chỉ có tổ chức Halozax đồng ý thực hiện rà phá bom mìn tại Hà Giang.
Halozax hiện có gần 10.000 nhân viên trên toàn thế giới. Họ có thiết bị có tầm với cao có thể gắp mìn và bóp nổ quả mìn trong thiết bị này, với giá gần 2 triệu USD. Ta không có thiết bị này.
-Trân trọng cảm ơn Đại tá!
Ước tính từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số lượng bom đạn đã sử dụng còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam lên tới hàng trăm nghìn tấn, gồm các loại bom, mìn, vật nổ rải rác tại toàn bộ 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc, bao gồm 9.116 xã còn bị ô nhiễm bom, mìn ở các mức độ khác nhau, chiếm 81,87% tổng số xã trên toàn quốc.
Đến tháng 12/2020, nước ta vẫn còn 5,640 triệu héc-ta đất bị ô nhiễm bom, mìn, chiếm 17,1% diện tích đất tự nhiên cả nước.