Ưu tiên số 1 cho nguồn lực trong công tác xây dựng văn bản

(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 và Luật VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất trăn trở khi công tác pháp chế ở Bộ, ngành chưa quan tâm bố trí con người, kinh phí một cách xứng đáng.
Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là “tăng cường kiện toàn, củng cố các cơ quan, đơn vị làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp”.
100% Bộ, cơ quan ngang Bộ có tổ chức pháp chế
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 cho biết, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành ngày càng quan tâm hơn về tổ chức, biên chế, để bổ sung, kiện toàn nhân sự cho công tác này. 
Triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về tổ chức hoạt động pháp chế, đến hết 2012, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều thành lập tổ chức pháp chế. Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, một số cơ quan đã thành lập Phòng pháp chế hoặc lồng ghép công tác pháp chế với công tác tranh tra, tổng hợp trong cơ cấu phòng, ban.
Ở Tổng cục và tương đương, các Cục trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có tổ chức pháp chế chuyên trách (Vụ, Phòng pháp chế) hoặc giao công tác pháp chế cho văn phòng làm đầu mối thực hiện. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế ở TW là khoảng 500 người, trong đó có 480 cán bộ chuyên trách. 
Nhìn chung, công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan TW được đào tạo chính quy, có kinh nghiệm, tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc.
Nhanh chóng kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: nhìn chung số lượng công chức trực tiếp làm công tác xây dựng VBQPPL ở các cơ quan TW hiện tại còn thiếu so với nhu cầu, khối lượng công việc được giao. Số lượng công chức trực tiếp tham gia soạn thảo VBQPPL tuy có tăng nhưng chưa theo kịp với sự gia tăng của khối lượng và tính chất phức tạp của công tác xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ làm công tác VB cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, sự hiểu biết và khả năng phân tích chính sách, dự báo tác động của VB đối với đời sống kinh tế - xã hội, năng lực tổ chức thực hiện chính sách còn hạn chế. Hiện tại, khoảng 20% cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành chưa có bằng cử nhân Luật. Hơn nữa, cán bộ làm công tác xây dựng VB chủ yếu kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ này.
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Hà Nội: 
Nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ làm luật

- Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo bộ - Trưởng Ban soạn thảo dự án luật cần quan tâm hơn nữa đến việc soạn thảo, hướng dẫn thi hành, hạn chế bớt việc đi thăm hỏi, viếng, khánh thành lễ tiết. Phải coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các bộ, ngành trong việc thi hành luật.
Cũng đã đến lúc chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ làm luật và sắp tới hướng của Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật là chỉ có Chính phủ ra nghị định, chấm dứt việc ra thông tư của các bộ, ngành.
Về kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, các bộ, ngành đã chủ động huy động nguồn hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoặc lồng ghép vào các chương trình, dự án khác để có nguồn kinh phí đảm bảo cho việc xây dựng văn bản. 
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận: nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp chưa đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng pháp luật, còn quá thấp so với yêu cầu công việc. Các điều kiện khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng còn thiếu…
Phê bình nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Giờ người ta lo nhất là chuyện cháy nhà, chết người, cơm áo, gạo tiền, dự án, kinh tế thị trường này khác, chứ luật pháp thì các bộ, ngành chưa lo nhiều... 
Họp Chính phủ tôi cũng có nói tại Hội trường, hỏi xem có Bộ trưởng nào đã bước chân tới Vụ Pháp chế để nói rằng tư tưởng chính sách và những vấn đề cụ thể của luật này như thế nào không? Phần lớn chúng ta tới Vụ Kế hoạch - tài chính, doanh nghiệp thôi, Vụ Pháp chế không mấy ai tới, cho nên chưa quan tâm bố trí con người, kinh phí cho công tác này nên ít người muốn làm công tác pháp luật”. 
Vì thế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng tăng cường kiện toàn, củng cố các cơ quan, đơn vị làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp. Cần có chiến lược thu hút, sử dụng và phát huy đội ngũ những người làm công tác xây dựng pháp luật chuyên nghiệp và chuyên trách, bao gồm những chuyên gia phân tích, hoạch định chính sách trong các lĩnh vực và các chuyên gia soạn thảo văn bản để có thể chuyển tải đầy đủ, chính xác nội dung chính sách, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật ngoài việc tăng cường tính chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp còn đề nghị Luật ban hành VBQPPL mới cần xác định rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc đầu tư nguồn lực thích đáng cho hoạt động xây dựng pháp luật, coi đây là hoạt động đầu tư phát triển, là kinh phí đầu vào cho phát triển kinh tế xã hội.
Một trong những giải pháp Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành trong công tác xây dựng VB là “Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị định số 55 về công tác pháp chế; có chính sách phù hợp phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất để triển khai thi hành luật, pháp lệnh, xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết”. 
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị tăng định mức phân bổ kinh phí phù hợp cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Đọc thêm