Ủy thác tư pháp còn nhiều khó khăn

Luật Tương trợ tư pháp 2007 ra đời là hành lang pháp lý quan trọng, từng bước tháo gỡ  khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và người dân trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều việc mà Bộ Tư pháp sau khi ủy thác đã không nhận được hồi âm, điều này gây những trở ngại lớn cho công dân khi có yêu cầu.

Luật Tương trợ tư pháp 2007 ra đời là hành lang pháp lý quan trọng, từng bước tháo gỡ  khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và người dân trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều việc mà Bộ Tư pháp sau khi ủy thác đã không nhận được hồi âm, điều này gây những trở ngại lớn cho công dân khi có yêu cầu.

Dẫn độ tội phạm quốc tế. Ảnh minh họa
Dẫn độ tội phạm quốc tế. Ảnh minh họa

Nhiều yêu cầu “một đi không trở lại”

Thời gian qua, Chính phủ đã có sự chỉ đạo ráo riết việc tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Trên thực tế, hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp tiếp tục có bước phát triển. Đến cuối 2011 đã có 16 Hiệp định tương trợ tư pháp  được ký kết, tăng 2 so với trước khi có Luật.

Theo số liệu được công bố tại hội thảo “Pháp luật và thực tiễn công tác tương trợ tư pháp” do Bộ Tư pháp và cơ quan USAID/VIỆT NAM vào tháng 10 năm ngoái, kể từ khi có Luật Tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã nhận được 8823 hồ sơ ủy thác tư pháp ra nước ngoài, nhưng kết quả gửi về chỉ có 792 hồ sơ (tỷ lệ 0,9%); trong khi đó Việt Nam đã nhận được 826 hồ sơ của nước ngoài yêu cầu tương trợ tư pháp và đã thực hiện 288 đạt tỷ lệ 34,9%.

Số liệu trên cho thấy, việc ủy thác ra nước ngoài kết quả rất hạn chế. Việc ủy thác “một đi không trở lại” dẫn đến án tồn đọng, không những với các Tòa án mà còn với cả cơ quan thi hành án dân sự. Trong khi đó, người dân thì bế tắc khi yêu cầu của mình không được giải quyết.

Theo Bộ Tư pháp, nguyên có thể dẫn đến việc ủy thác mà không có kết quả, đó là việc ủy thác tư pháp về dân sự trước hết dựa trên các cơ sở điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự. Trường hợp không có điều ước quốc tế thì sẽ dựa vào nguyên tắc có đi có lại.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với một số nước cũng chưa phát huy nhiều tác dụng do trên thực tế nước đó chưa có ủy thác tư pháp về dân sự cho Việt Nam. Vì thế, việc thực hiện ủy thác tư pháp có kết quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác của nước tiếp nhận yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam

Ngoài ra cũng theo Bộ Tư pháp, việc không có kết quả ủy thác tư pháp còn có thể do hồ sơ yêu cầu nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp không đúng theo quy định của pháp luật của nước nhận yêu cầu, kể cả việc đóng lệ phí, nên các hồ sơ này dù đã được gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nhưng cũng không được thực hiện; tên địa chỉ của người tống đạt không chính xác hoặc người tống đạt đã chuyển chỗ ở mà khong xác định được nơi ở mới.

Không phải “không có lối thoát”

Dù kết quả ủy thác tư pháp còn hạn chế, song với việc ban hành thông tư liên tịch số 15 ngày 15/9/2011 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp (có hiệu lực từ 1/12/2011) giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TANDTC đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của vấn đề nêu trên.

Với những hướng dẫn cụ thể, cơ quan tòa án và các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng án tồn, án chậm xử lý do không nhận hoặc chậm nhận được kết quả ủy thác. Thông tư cũng  đề cao trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào qui trình xử lý hồ sơ ủy thác tư pháp với các nước, thời hạn xử lý hồ sơ ủy thác tư pháp để cố gắng bảo đảm hồ sơ ủy thác tư pháp không bị tồn đọng hoặc nếu có tồn đọng cũng biết tồn ở đâu.

Đặc biệt, Thông tư liên tịch nói trên có quy định về việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã tiến hành ủy thác tư pháp hợp lệ nhưng không có kết quả. Theo đó, sau sáu tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật mà không phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp.

Về lâu dài, Việt nam cần đẩy mạnh việc ký hiệp định tương trợ với nhiều nước hơn nữa, nhất là những nước có đông công dân Việt Nam sinh sống.      

Huy Hoàng

Đọc thêm