Vài suy nghĩ tản mạn về "Đèn Âm Hồn”

(PLVN) -  Bộ phim “ Đèn Âm Hồn” do đạo diễn Hoàng Nam thực hiện đang trở thành tâm điểm bàn luận trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen về bầu không khí ám ảnh và yếu tố kinh dị đậm chất truyền thống, bộ phim lại hứng chịu không ít sự chỉ trích với cáo buộc "đạo nhái" từ những tác phẩm kinh dị nổi tiếng như “ Quật Mộ Trùng Ma” , “ Insidious” hay “ The Further”. Tuy nhiên, liệu những cáo buộc này có thực sự công bằng?

Đồng đẳng có nghĩa là đạo nhái?

Trên thực tế, việc khai thác những yếu tố kinh dị như mô-típ thầy đồng, linh hồn vấn vương, hay điều tra các hiện tượng siêu nhiên,… không phải là độc quyền của bất kỳ nền điện ảnh nào. Đây là những chủ đề được khai thác rộng rãi trong lịch sử điện ảnh, và quan trọng hơn là cách triển khai chúng theo bản sắc riêng. “Đèn Âm Hồn” đã lấy chất liệu từ văn hóa dân gian Việt Nam, như truyền thuyết về Thiếu phụ Nam Xương, các oan hồn, quan niệm tâm linh và hình tượng chiếc đèn dầu để xây dựng câu chuyện của mình.

Phân tích sâu hơn, những chi tiết bị chỉ trích là "đạo nhái" trong “Đèn Âm Hồn” chủ yếu dựa trên sự tương đồng về các chi tiết như Lễ trừ tà, hồn lìa khỏi xác, du hành thế giới khác,... Tuy nhiên, những yếu tố này không thể xem là bản quyền riêng của bất kỳ bộ phim nào. Chẳng hạn, các bộ phim kinh dị Hollywood đã từng khai thác những ngữ cảnh tương tự nhau như ngôi nhà ma, giữa rừng, hay những hiện tượng siêu nhiên như “The Conjuring”, “The Ring” mà sao không bị quy kết là đạo nhái?

Ám ảnh trong nghệ thuật

Trong nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, việc một tác phẩm chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm trước đó là hoàn toàn bình thường. Ngay cả những bộ phim đình đám như The Conjuring”, “Insidious” hay Hereditary” đều chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm kinh dị kinh điển trước đó. “Đèn Âm Hồn” có thể cũng không ngoại lệ. Thay vì quy chụp "đạo nhái", chúng ta cần phải xem xét liệu những yếu tố được cho là "sao chép" có thực sự bị lấy y nguyên hay chỉ là những ám ảnh phong cách từ những bộ phim trước đó.

Một trích đoạn trong phim “Đèn Âm Hồn” của đạo diễn Hoàng Nam. Ảnh: Phim Đèn Âm Hồn

Khác với nhiều bộ phim kinh dị quốc tế, Đèn Âm Hồn” mang đậm bản sắc Việt Nam khi kết hợp yếu tố tâm linh dân gian với những truyền thuyết ma quái Việt. Việc khai thác những truyền thuyết, tín ngưỡng Việt giúp bộ phim mang lại trải nghiệm hoàn toàn khác so với những tác phẩm kinh dị của Hollywood.

Về hình ảnh, việc dùng những gam màu tối không có nghĩa đây là đạo nhái, bởi cần nhớ rằng, trong điện ảnh, việc dùng những gam màu tối là phong cách chung của thể loại kinh dị. Mỗi quốc gia đều phát triển điện ảnh dựa trên những nền tảng đã có trước đó, và tác phẩm này là một bước tiến đáng ghi nhận trong việc khai thác thể loại kinh dị theo hướng gắn kết với văn hóa dân gian Việt Nam.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng nội dung và kỹ thuật dựng phim, không thể phủ nhận rằng “Đèn Âm Hồn” đã mang đến một làn gió mới cho dòng phim kinh dị Việt Nam. Điều quan trọng là thay vì chỉ trích gay gắt, khán giả và giới phê bình nên có cái nhìn công bằng, chỉ ra những điểm yếu để các nhà làm phim có thể cải thiện trong các dự án sau. Chính sự ủng hộ và góp ý mang tính xây dựng mới là động lực giúp dòng phim kinh dị Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.