Vẫn “ách” việc giải quyết hàng trăm kiến nghị của cử tri

(PLVN) - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã phản ánh thực trạng này khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 sáng 20/5.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

Theo bà Hải, cũng như nhiều kỳ họp trước, các lĩnh vực được người dân quan tâm vẫn là lao động việc làm, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục và đấu tranh phòng, chống tội phạm…  

Đối với Quốc hội (có 59 kiến nghị, chiếm 2,8%), trong đó có 23/59 kiến nghị về xây dựng pháp luật và 36/59 kiến nghị về hoạt động giám sát. Toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn đạt 100%.

Đối với các cơ quan tư pháp tiếp nhận 84 kiến nghị, toàn bộ kiến nghị đã được xem xét, trả lời đạt 100%, nhiều kiến nghị liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đã được tiếp thu giải quyết.

Đáng ghi nhận là một số vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương và đông đảo người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước thì nay đã được xem xét, giải quyết xong như ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của taxi công nghệ, thống nhất quản lý đối với 4.700 km quốc lộ đi qua 42 địa phương, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời…

Còn đối với Chính phủ (có 1.951 kiến nghị, chiếm 92,82% tổng số kiến nghị), đã giải quyết, trả lời 1.915 kiến nghị, đạt 98,2%, còn 214 kiến nghị, chiếm 11,2% đang xem xét, giải quyết.

Kết quả cho thấy việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành ngày càng khoa học, chất lượng, trách nhiệm cao; một số kiến nghị về ổn định sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội được quan tâm giải quyết ngay.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung kiến nghị, chưa kiểm tra, tìm giải pháp để tháo gỡ nên cử tri tiếp tục kiến nghị như vấn đề xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn, Bình Định) chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của diện xã đảo.

Hay một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai  phạm nhưng thường trả lời chung chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ví dụ, cử tri Thái Bình kiến nghị làm rõ trách nhiệm trong tính toán, chi trả sai lương hưu, đối với hàng nghìn giáo viên mầm non đã nghỉ hưu trước năm 1998; cử tri Lâm Đồng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, xử lý việc các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh sai điều kiện, không đủ điểm chuẩn như đã công bố. 

Đặc biệt, mặc dù các cơ quan đã rất tích cực trong giải quyết các kiến nghị, nhưng tính đến nay vẫn còn hàng trăm kiến nghị đang trong quá trình giải quyết. 

Cụ thể, việc xem xét, sửa đổi, bổ sung 199 văn bản quy phạm pháp luật; việc nâng cấp sửa chữa, đầu tư, xây mới một số tuyến đường giao thông tại một số địa phương (như Quảng Nam, Bình Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình…);

Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm một số vấn đề như vệ sinh thực phẩm, buôn lậu, tham nhũng, lãng phí, đạo đức công vụ, ô nhiễm môi trường…; việc giải quyết một số vấn đề như phối hợp giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội trong chi trả cho người khám, chữa bệnh; về việc chậm triển khai thu phí không dừng, nguyên nhân và trách nhiệm; về sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi… 

Bà Hải chia sẻ, đây là những kiến nghị cần có thời gian nghiên cứu hoặc cần có nguồn lực. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết các kiến nghị này.

Đọc thêm