Thực hiện ý kiến chỉ đạo của của Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai (Dự án), Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu hồ sơ dự án (trong đó có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án), ý kiến giải trình của UBND tỉnh Tuyên Quang.
Trong văn bản cho ý kiến mới nhất về dự án, Bộ KH&ĐT nói rằng, tại báo cáo kết quả thẩm định Dự án vào cuối tháng 8/2018, Bộ đã phân tích, nêu rõ những nội dung còn tồn tại của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và nội dung tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh Tuyên Quang sau đó tuy đã bổ sung và giải trình làm rõ các ý kiến còn băn khoăn của Bộ KH&ĐT cũng như các bộ, ngành liên quan khác, làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn (nguồn NSNN) để hỗ trợ dự án, nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng cho dự án giai đoạn 2018-2020, ngoài việc, BCNCTKT dự án chưa điều chỉnh tiến độ cho phù hợp với thời điểm hiện tại, thì hồ sơ dự án này vẫn còn hàng loạt thiếu sót chưa làm rõ.
Theo Bộ KH&ĐT, Nghị định số 40 ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019) quy định về lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chủ đầu tư trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS), báo cáo kinh tế-kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công.
Do đó, Bộ quản lý nhà nước về đầu tư yêu cầu tỉnh Tuyên Quang phải thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt ĐTM trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt FS.
Bộ này cũng đề nghị Tuyên Quang trong giai đoạn lập FS cần bổ sung căn cứ Luật giao thông đường bộ, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trong đó đề nghị rà soát lại các nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng rừng và thực hiện theo quy định của pháp luật về Lâm nghiệp.
Trong khi Tuyên Quang đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án nhưng Bộ KH&ĐT lưu ý với địa phương này: Tại văn bản số 715 ngày 24/1/2017 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo “đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan có thẩm quyền”, nên các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ thực hiện theo chỉ đạo nói trên.
Theo tìm hiểu tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ với phạm vi giải phóng mặt bằng khoảng 227,7 ha. Về suất vốn đầu tư của Dự án, trước đó một số bộ ngành đã đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các đơn vị rà soát suất vốn đầu tư phần đoạn tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với quy mô, thời điểm lập sơ bộ tổng mức đầu tư, khu vực xây dựng và các điều kiện của công trình.
Trong tờ trình mới sau khi đã tiếp thu ý kiến từ Bộ, ngành, tỉnh Tuyên Quang đưa ra suất đầu tư dự án này là 53,8 tỷ đồng/km đường cao tốc; về lư lượng xe, theo kết quả khảo sát (đếm xe) tháng 3/2017 trên các trạm QL2 đoạn Tuyên Quang- Phú Thọ là 10.554 xe quy đổi/ngày đêm.
Về vấn đề này, theo Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Tuyên Quang phải chịu trách nhiệm về suất đầu tư, về lưu lượng xe, tránh hiện tượng dự báo cao nhưng thực tế vận hành lại thấp, tránh tăng tổng mức đầu tư trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo xây dựng dự án theo đúng chất lượng, tiêu chuẩn đường cao tốc.
Được biết, Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án ảnglà kh 2.889,95 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của nhà đầu tư là 2.379,16 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 387,8 tỷ đồng, tương đương 16,3% tổng mức đầu tư Dự án; vốn vay là 1.991,35 tỷ đồng, tương đương 83,7%) và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (cho công tác giải phóng mặt bằng) là 510,79 tỷ đồng.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ KH&ĐT cho hay, ngày 24/10/2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ó Nghị quyết về phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn bổ sung cho Tuyên Quang để hỗ trợ GPMB xây dựng đường cao tốc kết nối Tuyên Quang- Phú Thọ với đường cao tốc Nội Bài- lào Cai là 500 tỷ đồng.
“Như vậy nguồn vốn ngân sách hỗ trợ GPMB cho dự án đã được xác định gồm 500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 10,79 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Tỉnh Tuyên Quang chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn đã cam kết đảm bảo tính khả thi của dự án”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Trước đó, tỉnh Tuyên Quang đề xuất thực hiện Dự án là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Thời điểm năm 2018, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến rằng, hồ sơ Dự án chưa có các tài liệu chứng minh tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của Nhà đầu tư theo quy định tại Điều 23 Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Do đó, chưa có cơ sở xem xét năng lực (tài chính, hoạt động) của Nhà đầu tư đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu cho Dự án. Còn về nguồn vốn vay thì Nhà đầu tư cần báo cáo rõ khả năng huy động vốn vay cho Dự án, đặc biệt Dự án chưa khẳng định được tính khả thi về nguồn vốn vay.