Vẫn còn tình trạng kiêm nhiệm công tác pháp chế

(PLVN) - Trong 2 ngày 27 – 28/5/2019, phối hợp với Viện KAS (Cộng hòa Liên bang Đức), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đối thoại và tập huấn nghiệp vụ pháp chế năm 2019 khu vực phía Bắc. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng Đại diện Viện KAS Peter Girke cùng nhiều đại biểu đã tham dự phiên khai mạc.

Có hạn chế nhất định trong công tác tham mưu  

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, việc tổ chức hội nghị đối thoại về công tác pháp chế đã được duy trì nhiều năm nay. Sau mỗi hội nghị, công tác pháp chế từng bước tháo gỡ được các vướng mắc, đạt được kết quả thiết thực hơn, đặc biệt là trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh triển khai nhiệm vụ có nhiều khó khăn, nhất là việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhưng điều đáng mừng là công tác pháp chế cơ bản vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều này chứng tỏ năng lực cán bộ được cải thiện nhất định, phương pháp tổ chức công việc từng bước khoa học hơn.

Tuy vậy, công tác pháp chế còn nhiều thách thức từ việc kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ đến việc quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ chưa có được sự cải thiện mạnh. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 vẫn còn tình trạng, thậm chí có xu hướng gia tăng những vị trí kiêm nhiệm công tác pháp chế. Đáng chú ý, Thứ trưởng chỉ ra, công tác tham mưu cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của cán bộ pháp chế đang còn hạn chế nhất định. 

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng công tác xây dựng văn bản, tính hiệu quả của các công tác khác như theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết vướng mắc về pháp lý phục vụ cho tháo gỡ các rào cản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh. Vì vậy, Bộ Tư pháp đặt nhiều hy vọng vào Hội nghị đối thoại, tập huấn năm 2019 với việc cải tiến nội dung, cách thức thực hiện chương trình Hội nghị.


Để Hội nghị đạt kết quả, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, báo cáo viên trình bày tham luận, báo cáo thật ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, giành nhiều thời gian cho việc trao đổi, thảo luận giữa các cán bộ pháp chế các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trả lời, hướng dẫn về chuyên môn, giải đáp các vướng mắc phát sinh trong công tác pháp chế. Các đại biểu thì trao đổi, thảo luận các vấn đề thật cởi mở, thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác pháp chế trong thời gian tới. 

Thứ trưởng yêu cầu Ban tổ chức Hội nghị ghi chép đầy đủ các ý kiến để xây dựng báo cáo về khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhắc lại Hội nghị năm 2018, Thứ trưởng ghi nhận cách làm hay của TP Hải Phòng trong giải thể tổ chức pháp chế thì đã cố gắng giữ được tên pháp chế khi nhập bộ phận pháp chế với thanh tra thành Phòng Thanh tra – Pháp chế để có được vị trí việc làm và mỗi lần đi công tác địa phương ông đều giới thiệu cách làm đó.

Nâng cao năng lực cán bộ để giảm sai sót

Trưởng Đại diện Viện KAS Peter Girke nhấn mạnh mục đích chính của Hội nghị là trang bị, nâng cao kỹ năng cho cán bộ pháp chế ở các cơ quan, địa phương cũng như nâng cao hiệu quả trong tổ chức công việc; trợ giúp cho các cán bộ pháp chế nắm bắt những yêu cầu ngày càng cao trong công việc.


Chia sẻ tầm quan trọng của công tác pháp chế trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao chất lượng công tác pháp chế, theo ông Girke, phải bổ sung nhiều hội nghị tập huấn kỹ năng cho cán bộ pháp chế. Bởi việc đào tạo bài bản đội ngũ cán bộ sẽ giảm tần suất sai sót, sẽ giúp nâng cao chất lượng các văn bản luật được ban hành, đưa ra tư vấn pháp chế phù hợp… 

Tham dự Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà phấn khởi cho biết, công tác pháp chế, tư pháp rất được lãnh đạo địa phương quan tâm. Tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, bà Hà khẳng định việc triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34 tại Bắc Giang cơ bản đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản về công tác xây dựng thể chế; phối hợp với Sở Tài chính ra văn bản hướng dẫn kinh phí chi cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt kinh phí cho công tác này không bao giờ bị cắt, thể hiện sự quan tâm, động viên của tỉnh nhà. Về mặt chuyên môn, Sở Tư pháp đã biên soạn 3 cuốn tài liệu liên quan đến triển khai Luật Ban hành văn bản và Nghị định 34 cũng như chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá theo quý để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, bà Hà phản ánh tỉnh vẫn vướng nhất về việc thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh, đánh giá tác động chính sách một số trường hợp chưa thực sự tốt về chất lượng.


 Về nội dung chuyên đề chuyên sâu của Hội nghị năm 2019, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng nêu một số quy định của pháp luật về vai trò của tổ chức pháp chế trong việc tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, địa phương thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Bên cạnh kết quả đạt được, ông Hưng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như chưa chủ động, tích cực tham mưu cho lãnh đạo ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; chưa chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về công tác bồi thường… Để tháo gỡ, ông Hưng đề nghị các tổ chức pháp chế cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường; kịp thời tham mưu việc kiểm tra, thanh tra theo quy định pháp luật…

Nhân dịp này, Bộ Tư pháp đã công bố và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp cho một số cán bộ làm công tác pháp chế tại các Bộ: Quốc phòng, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Đọc thêm