Kỳ họp Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Bộ luật Lao động. Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.
Ý nghĩa là rất lớn và rất nhạy cảm, bằng chứng là việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu đang được quan tâm đặc biệt.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp... là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm về chính trị - kinh tế - xã hội. Đây cũng là vấn đề có lịch sử phát triển lâu dài trên thế giới, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và phản ánh trình độ phát triển, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở mỗi nước.
Thực ra, suốt quá trình không ngắn, trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật BHXH năm 2014, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được đặt ra nhiều lần. Việc đề xuất tăng tuổi hưu được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Bởi, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ.
Tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, từ năm 2023 quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp.
Muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2 cách: nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp hoặc giảm mức hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐTB&XH, nâng mức đóng là rất khó vì tăng gánh nặng tài chính của người lao động và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó bảo đảm cuộc sống của người hưởng lương hưu.
Nước ta, BHXH mới được bắt đầu thực hiện từ năm 1961, chỉ áp dụng đối với khu vực công, chủ yếu là chế độ hưu trí, tử tuất của thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung và chỉ thực sự bắt đầu đổi mới, phát triển ngày càng đầy đủ, phù hợp hơn với kinh tế thị trường định hướng XHCN và thông lệ quốc tế từ năm 1995 đến nay. Do vậy càng cần tổng kết, sát thực tiễn.
Những hạn chế, yếu kém còn do nhận thức, tư duy lý luận và thể chế về BHXH còn chậm được đổi mới, hoàn thiện; hệ thống luật pháp, chính sách, bộ máy tổ chức, cán bộ... chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Điều đó cho thấy, việc càng nhạy cảm càng cần sự đồng thuận xã hội.