Vấn đề lãi, lãi suất trong Hợp đồng vay tài sản

(PLO) - Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có vấn đề về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. 
Vấn đề lãi, lãi suất trong Hợp đồng vay tài sản
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, vấn đề lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản cũng là một nội dung quan trọng trong lần sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) lần này. Vậy, căn cứ để sửa đổi các quy định này là gì, thưa Ông? 
- Việc sửa đổi BLDS về vấn đề lãi, lãi suất xuất phát từ một số lý do căn bản sau đây:
Thứ nhất, một số quy định trong BLDS hiện hành chưa đảm bảo được quyền lợi của các bên trong hợp đồng vay, sự can thiệp của Nhà nước trong một số trường hợp còn quá sâu. Ví dụ: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi mà không thỏa thuận về lãi suất thì chúng ta áp đặt ngay là theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi, trường hợp này phải tôn trọng ý chí thỏa thuận của các bên, nếu các bên không quyết định được thì coi như vay không có lãi.
Thứ hai, một số quy định hiện nay không theo kịp để điều chỉnh thị trường vay, nó chỉ vay trong nền kinh tế thị trường.
Thứ ba, chính vì bất cập nêu trên mà hiện nay có sự không đồng bộ trong nhận thức trong vấn đề áp dụng pháp luật, xây dựng pháp luật cũng như việc giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng vay, lãi, lãi suất; đặc biệt là xử lý vấn đề lãi suất trần cũng như lãi suất trong hợp đồng tín dụng, lãi suất trong các hợp đồng mà giữa bên cho vay, bên vay là tổ chức kinh tế cho vay bằng vốn của mình. 
Thưa ông, về mức lãi suất vay trong hợp đồng vay tài sản, hiện tại Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dừng lại ở mức 200%. Vậy, là một thành viên của Ban Soạn thảo, Ông lý giải như thế nào về con số này?
- Xét về bản chất, 200% này không khác nhiều so với quy định của BLDS hiện hành về cách điều chỉnh. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét kỹ quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác…”  
“Trừ trường hợp luật có quy định khác”, tức là Ban Soạn thảo cũng tính đến yếu tố trong trường hợp pháp luật về tín dụng có quy định khác về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng hoặc lãi suất khác đối với hợp đồng của các tổ chức kinh tế cho vay bằng vốn của nhau thì nhà làm luật cũng chấp nhận theo lãi suất đó, tạo ra sự linh hoạt hơn.
Trên thực tế, lãi suất cơ bản theo Luật Ngân hàng quy định mục đích là để điều tiết, thực hiện chính sách tiền tệ nên chỉ có một lãi suất và lãi suất đó tương đối ổn định, trong khi đó, thị trường vay, giao dịch vay rất đa dạng về hình thức, thời hạn vay hay cũng như phương thức trả nợ thì áp dụng chung một mức lãi suất như thế này thì rất cứng nhắc. Nhiều khi lãi suất cơ bản này chạy sau thị trường vay và giao dịch vay. 
Chúng ta cần phải nghiêm túc nghiên cứu tại sao chúng ta không căn cứ vào mức lãi suất mang tính chất động hơn, linh hoạt hơn, phù hợp với thị trường hơn như lãi suất liên ngân hàng hoặc có thể dựa trên lãi suất tham chiếu, lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng…? 
Hiện nay, việc quy định mức 200% theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là dựa trên sự ổn định đã có, nhưng tính hợp lý hay không thì cần lấy ý kiến của nhân dân, trao đổi với các tổ chức liên quan để chúng ta lựa chọn một giải pháp hợp lý nhất.
Thưa ông, bên cạnh vấn đề về lãi, lãi suất thì đối tượng vay là vàng, ngoại tệ cũng là một trong những nội dung cần được làm rõ, tránh tình trạng xảy ra tranh chấp như hiện nay. Dự thảo lần này đã điều chỉnh vấn đề này như thế nào, thưa Ông? 
- Trong chính sách tiền tệ cũng như chính sách quản lý kinh tế thì vàng, ngoại tệ là tài sản chịu sự quản lý đặc biệt nhưng trong giao dịch dân sự không có nghĩa nó là tài sản chết. Bộ luật Dân sự là luật chung, điều chỉnh các quan hệ mang tính chất tư, trong đó có vấn đề về sở hữu, giao dịch; mặt khác, chính sách về tiền tệ, chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước luôn thay đổi theo thời gian. Vì vậy, nếu chúng ta quy định một cách cứng nhắc vàng, ngoại tệ bị cấm trong những trường hợp này trường hợp kia thì có thể sẽ bị lạc hậu. 
Khi một giao dịch vay mà các bên sử dụng bằng vàng, ngoại tệ, nếu chúng ta áp dụng nguyên tắc cấm các giao dịch liên quan đến vàng, ngoại tệ và tuyên bố giao dịch vô hiệu như các giao dịch thông thường khác thì chúng ta phải nghiên cứu kỹ. Bởi vì, khi giao dịch vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, điều đó có nghĩa, bên đi vay không phải trả tiền lãi, nếu người vay trả lãi rồi thì lãi đó sẽ sung công quỹ Nhà nước. 
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nhìn chung vẫn kế thừa các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Chúng ta không quy định cụ thể đối tượng của nghĩa vụ là tiền đồng Việt Nam mà tiền có thể là đồng ngoại tệ; đồng thời, cũng không giới hạn về đối tượng của quan hệ nghĩa vụ là vàng, mà chỉ quy định về nguyên tắc, vàng, ngoại tệ có thể là đối tượng của nghĩa vụ, trừ khi vi phạm điều cấm. 
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng định kỳ hàng tuần vào 08h55’ Thứ Bảy và phát lại vào 14h20’ Chủ nhật trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Đọc thêm