Vấn đề lớn của ngành ngân hàng, Phó thống đốc không thể tự quyết định

(PLO) - Trong diễn biến phiên xét xử ngày 26/6 của vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, một nội dung quan trọng được nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình trình bày tại tòa là vấn đề ai có thẩm quyền quyết định để Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank).
Ông Đặng Thành Bình trong phiên tòa ngày 26/6

Ai quyết định phương án tái cơ cấu?

Trong phần xét hỏi đối với ông Đặng Thanh Bình, đại diện VKS đánh giá ông là người có chuyên môn sâu, có năng lực và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Từ đó, VKS đã đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của ông Đặng Thanh Bình đối với các nhiệm vụ được phân công, như chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu Trustbank; chỉ đạo đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và hoạt động của Tổ giám sát.

Trả lời câu hỏi của VKS, ông Đặng Thanh Bình khẳng định, phương án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời điểm năm 2012 là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành ngân hàng, không riêng gì việc tái cơ cấu đối với Trustbank. Trong số 9 ngân hàng yếu kém, có 3 ngân hàng đã được sáp nhập, còn 6 ngân hàng cần phải thực hiện tái cơ cấu. Đến nay, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng này đã thành công, trừ Trustbank.

Về vai trò của mình trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác tái cơ cấu Trustbank, nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình trình bày, theo quyết định phân công của Thống đốc, ông là người giúp thống đốc quản lý công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng và được giao làm Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Trustbank. Do vậy, những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu Trustbank do ông trực tiếp chỉ đạo.

Tuy nhiên, đối với các vấn đề lớn liên quan đến tái cơ cấu Trustbank, bản thân Phó thống đốc không thể tự quyết định và ngay cả Thống đốc cũng không làm được điều này. Tất cả các quyết định liên quan đến các vấn đề lớn liên quan đến chủ trương tái cơ cấu Trustbank; về việc chấp thuận để nhóm nhà đầu tư mới (nhóm Thiên Thanh) tham gia tái cơ cấu; chấp thuận chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm Thiên Thanh và nhóm cổ đông Phú Mỹ đều phải do tập thể lãnh đạo NHNN thảo luận, quyết định trên cơ sở tham mưu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Ông Đặng Thanh Bình viện dẫn cuộc họp quan trọng của tập thể lãnh đạo NNHH ngày 3/7/2012 để xem xét Tờ trình 1024 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Căn cứ kết luận của tập thể lãnh đạo NHNN tại cuộc họp này, NHNN mới chấp thuận chủ trương để nhóm Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu Trustbank theo đề xuất của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Khi ông ký công văn phê duyệt chính thức phương án tái cơ cấu Trustbank thì cũng phải căn cứ vào kết luận cuộc họp ngày 27/6/2013 của tập thể lãnh đạo NHNN và trước đó là cuộc họp của Ban chỉ đạo tái cơ cấu Trustbank, ngày 5/6/2013.

Trước câu hỏi truy trách nhiệm của đại diện VKS, ông Bình khẳng định, về mặt chuyên môn, theo các quy định về chức năng, nhiệm vụ thì ông đã làm đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được giao và không thiếu trách nhiệm như quy kết của VKS. Nhưng, với tư cách là một Đảng viên, một thành viên ban lãnh đạo NHNN, khi thực hiện một nhiệm vụ chính trị lớn của ngành là tái cơ cấu Trustbank không thành công, ông cũng nhận thấy có trách nhiệm, đó là trách nhiệm chính trị của người lãnh đạo, không phải trách nhiệm pháp lý như quy kết.

Kẽ hở để Phạm Công Danh lũng đoạn VNCB là công tác thanh tra, xử lý 

Đại diện VKS đã yêu cầu ông Đặng Thanh Bình giải thích rõ về nội dung bút phê của ông trên Tờ trình 1340 mà trong cáo trạng xác định là chứng cứ của việc “không chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh”. Ông Đặng Thanh Bình nêu rõ, đây là chỉ đạo kiểm tra nguồn vốn góp, không phải là chỉ đạo về vấn đề đánh giá năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới.

KSV cao cấp  Phạm Văn Dũng là người đặt câu hỏi về bút phê của ông Đặng Thanh Bình trên Tờ trình 1340

Lý giải nội dung này, ông Đặng Thanh Bình nêu thêm: Trong tờ trình 1340, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng mới đề xuất việc áp dụng điều kiện đối với các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu Trustbank như điều kiện đối với các cổ đông thành lập mới ngân hàng, nhưng không nói rõ cách làm. Do vậy, tại bút phê của mình, ông Bình đã yêu cầu “việc kiểm tra vốn góp được thực hiện sau này”, tức là thực hiện kiểm tra dòng tiền góp vốn khi nhóm nhà đầu tư mới mua cổ phần để đảm bảo tiền mua cổ phần không phải là tiền vay, hay nhận ủy thác.

Để làm rõ hơn vấn đề này, trong phần trả lời câu hỏi của luật sư, ông Bình cho biết, việc đánh giá năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư Phạm Công Danh là vấn đề cốt lõi của phương án tái cơ cấu, đảm bảo sự thành công của việc tái cơ cấu Trustbank. Do đó, đánh giá năng lực tài chính là việc là được thực hiện ngay từ khi xây dựng cho đến khi phê duyệt chính thức phương án tái cơ cấu Trustbank.

“Chỉ đạo yêu cầu đánh giá năng lực tài chính của nhóm nhà đâu tư thể hiện qua rất nhiều bút phê của tôi trên các tờ trình của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng từ tháng 5/2012 (trước khi NHNN chấp thuận chủ trương để nhóm Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu) cho đến khi phương án tái cơ cấu được phê duyệt chính thức (ngày 2/7/2013)”, ông Bình khẳng định.

Theo cáo trạng của VKS tối cao, bút phê của ông Đặng Thanh Bình tại tờ trình 1340 là căn cứ để quy kết trách nhiệm đối với ông Bình. Song, phần trình bày khá rõ ràng về nội dung bút phê này khiến cho VKS không hỏi thêm nhiều. Phiên tòa tập trung vào vấn đề trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của NHNN Chi nhánh Long An khi Tổ giám sát gửi báo cáo về vi phạm của Phạm Công Danh và VNCB. 

Diễn biến của phiên tòa ngày 26/6 cho thấy, vấn đề cần làm rõ trong vụ án này chính là trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm và đây mới thực sự là nguyên nhân dẫn đến việc Phạm Công Danh sử dụng VNCB như công cụ để vi phạm, chứ không phải bút phê của ông Đặng Thanh Bình hay phương án tái cơ cấu gây ra hậu quả cho VNCB. Dự kiến vấn đề này sẽ được làm rõ trong phần tranh luận tại phiên tòa.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm