Văn hóa & Pháp luật

Văn hóa khơi dậy tinh thần đoàn kết các dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022” là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm góp phần tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” trong cộng đồng 54 dân tộc.
Nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra trong “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022”. (Ảnh minh họa)
Nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra trong “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022”. (Ảnh minh họa)

Các dân tộc Việt cùng “khoe” di sản

Từ ngày 18 - 23/11/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VH,TT&DL, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022” nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây là các hoạt động thiết thực chào mừng Ngày truyền thống - Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), qua tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Chương trình nghệ thuật khai mạc “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022” và “Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022” là hoạt động mang tính điểm nhấn mở đầu chuỗi hoạt động.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022”, Ban Tổ chức tổ chức Hội nghị “Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc” và Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tại các địa phương; đề xuất định hướng, giải pháp khai thác, liên kết, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch.

Đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc có hoạt động Triển lãm trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc; trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống; tổ chức tái hiện không gian chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc…

Đặc biệt, năm nay, Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022 được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đối tượng là các vận động viên chuyên nghiệp được tuyển chọn từ các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Trong Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022” còn diễn ra các hoạt động giới thiệu phong tục tập quán cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ với các lễ hội truyền thống như: Tái hiện Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; Giới thiệu sắc màu văn hoá của đồng bào Chăm tỉnh An Giang với hoạt động: Tái hiện nghi thức đặt tên của dân tộc Chăm...

Bên cạnh đó là Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và Tái hiện cuộc sống hàng ngày của các dân tộc và các trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ...

Giữ gìn bản sắc dân tộc đậm đà

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, chương trình khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022” sẽ chú trọng tôn vinh di sản văn hóa và đại đoàn kết toàn dân tộc. Toàn bộ chương trình diễn ra trên sân khấu nổi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, được thiết kế theo hình chiếc quạt - một hình ảnh quen thuộc trong di sản văn hóa Việt Nam, với tất cả các nan quạt chụm về một hướng tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu nhỏ để các diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân cùng đồng diễn. Sẽ có 200 diễn viên chuyên nghiệp và 170 nghệ nhân tham gia biểu diễn. Phần trình diễn các trang phục truyền thống sẽ được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật.

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Hải Nhung, liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất năm 2022 là dịp giới thiệu, quảng bá các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch. Đây cũng là hoạt động nhằm khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tham gia liên hoan có 22 dân tộc với gần 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Trang phục trình diễn có thể trang phục truyền thống hàng ngày và hoặc trang phục đồng bào sử dụng trong các dịp đặc biệt như lễ cưới. Liên hoan cũng là dịp để thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Đọc thêm