Văn hóa - nền tảng phát triển đất nước thời kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm.
Tổng Bí thư Trường Chinh và bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943. Ảnh baotanglichsu.vn
Tổng Bí thư Trường Chinh và bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943. Ảnh baotanglichsu.vn

Hiện nay, cả nước có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được.

Sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt

Thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của “sức mạnh mềm” văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của các kỳ đại hội trước về văn hóa, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Đó chính là niềm tin và khát vọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.

Tại “Hội thảo Văn hóa” diễn ra vào tháng 12 năm 2022, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Một vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta rất cần có khung khổ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên văn hoá, các giá trị văn hoá và con người; cần bảo đảm “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hoá, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình phát triển kinh tế.

Theo ông Thắng, phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành tựu về phát triển văn hóa luôn mang lại hiệu ứng cộng hưởng trong các thành tựu phát triển chung. Đây phải là cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bảo đảm tính tổng thể và toàn diện trên tất cả các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Có vậy, các địa phương mới nhận thức rõ trọng trách, sự ưu tiên, đồng thời không cảm thấy bị thua thiệt, nhất là trong thu ngân sách hàng năm khi thực thi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, giá trị văn hóa bền vững của đất nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Khởi nguồn và động lực phát triển”

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 27/2/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiến có khoảng 150 đại biểu tham dự trực tiếp gồm các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các liên hiệp hội, các hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có liên quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ…

Tại mỗi điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến có khoảng 50 đại biểu tham dự gồm đại diện Thường trực tỉnh, thành ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận tỉnh, Thành ủy; Sở VH,TT&DL, Sở Du lịch, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, trường văn hóa, nghệ thuật tỉnh, thành phố; báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố và đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, thành phố.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho biết: “Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. Đồng thời, huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng”.

Hội thảo “80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” sẽ gồm 2 nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Sau phát biểu khai mạc, đề dẫn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; báo cáo trung tâm do Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày, Hội thảo sẽ có phần trình bày tham luận dưới nhiều góc độ từ các nhà quản lý, chuyên gia uy tín; lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, TP HCM... Tham gia phần thảo luận bàn tròn có các nhà quản lý, chuyên gia, các văn nghệ sĩ với tiếng nói uy tín nhằm kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tại Hội thảo, phóng sự “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” sẽ được trình chiếu.

Thông qua nội dung Hội thảo, các đại biểu nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; tổng kết, đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” là văn kiện của Đảng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Ngay từ những năm đầu tiên, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc. Đề cương văn hóa năm 1943 ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược này.

Trải qua thời gian, ba nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa” đã luôn chứng minh tính đúng đắn, định hướng cho sự phát triển văn hóa. Bối cảnh năm 1943 đã đặt ra những vấn đề cấp bách để bản đề cương văn hóa đầu tiên của Việt Nam ra đời, giúp cho những người làm văn hóa, đặc biệt là những nhà quản lý về văn hóa được định hướng những nguyên tắc để phát triển văn hóa theo hướng đề cao tính dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Trải qua 80 năm, cho đến ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến đời sống xã hội đã trải qua rất nhiều thay đổi, thăng trầm nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào, bối cảnh nào thì Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị.

Đọc thêm