Văn hóa & Pháp luật

Văn hóa Phật giáo Việt Nam góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trải qua những năm tháng lịch sử, có thể nói, những giá trị của văn hóa Phật giáo đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa, tạo nên vẻ đẹp và bản sắc dân tộc...
An cư Kiết hạ - một nét đẹp của văn hóa Phật giáo - ảnh minh họa.
An cư Kiết hạ - một nét đẹp của văn hóa Phật giáo - ảnh minh họa.

An cư Kiết hạ - một nét đẹp của văn hóa Phật giáo

An cư Kiết hạ là một nét đẹp của văn hóa truyền thống Phật giáo trên toàn thế giới nói chung, cũng như ở Việt Nam nói riêng. Ngược dòng lịch sử, chúng ta tìm được khởi nguyên của nét văn hóa độc đáo này.

Theo Đại Phẩm Luật Tạng, trong những năm đầu thiết lập Tăng đoàn, đức Phật chưa chế pháp an cư, các chư tăng đệ tử Phật vẫn du hành quanh năm, kể cả trong ba tháng mùa mưa của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhiều giáo phái khác, mùa mưa là mùa cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi, nảy nở của vô số côn trùng, nên cần tránh đi du hành kẻo giẫm đạp làm tổ̉n hại sinh mạng.

Sự kiện này được trình báo lên Đức Phật, thế rồi Ngài dùng huệ nhãn để quán xét và nhận thấy nhân duyên đã đến, nên ban hành pháp An cư Kiết hạ hằng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc.

Đức Phật dạy: “Nay tôi quy định, các Tỳ kheo phải kiết túc an cư trong ba tháng mùa mưa. Từ đó về sau truyền thống an cư được thực hiện đều đặn hằng năm trong Tăng đoàn và đã mang lại nhiều lợi lạc không chỉ cho hành giả an cư mà còn cho hàng phật tử tại gia.

Theo quy định, mỗi năm các đệ tử phật kết thúc an cư trong 3 tháng vào mùa hạ. Có hai truyền thống an cư, một là truyền thống an cư theo truyền thống Bắc tông và hai là truyền thống an cư theo các nước Nam truyền. Theo Thượng tọa Thích Thanh Vân - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương, truyền thống Bắc tông bao gồm có tiền an cư và hậu an cư.

Tiền an cư bắt đầu chính thức vào ngày 16/4 (Âm lịch) và kết thúc vào ngày 16/7 (Âm lịch), hậu an cư tức là lùi lại một tháng từ rằm tháng 5 (Âm lịch) kết thúc vào ngày rằm tháng 8 (Âm lịch). Với truyền thống Nam truyền, chư tăng bắt đầu an cư từ rằm tháng 6 (Âm lịch) và kết thúc vào rằm tháng 9 (Âm lịch) cũng kết thúc đủ 3 tháng an cư.

Về nội dung an cư, trước hết các hàng đệ tử phật trong 3 tháng phải tĩnh tu tam nghiệp tư duy giới định tuệ 3 pháp học giới học, định học và tuệ học đồng thời trong mùa an cư trư tăng thống nhất đề ra giảng 3 phận: kinh, luận và luật.

Kinh là lựa chọn bộ kinh để giảng đọc trong thời gian an cư cho thích hợp; Luật là giảng các bộ luật đức phật đã chế định các nếp sinh hoạt của chư tăng; Luận giúp chư tăng tăng trưởng kiến thức về nội điền cũng như lời dạy của chư tổ lấy đó làm kim chỉ nam trên bước đường tu nhân học phật.

“Có câu nói là: Cửu tuần tu học định tâm viên/Tam nguyệt an cư định ý mã, có nghĩa là 3 tháng an cư thôi dứt tất cả ý niệm suy nghĩ để mình chuyên tâm việc thiền định chuyên tâm tâm vào tu tập” – Thượng tọa Thích Thanh Vân nhấn mạnh.

Phổ biến pháp luật trong văn hóa Phật giáo

Có thể nói, An cư Kiết hạ là truyền thống tập trung tu học của tăng ni. Tham dự khóa an cư, các tăng ni được học tập các nội dung nội điển Phật giáo như: thuyết giảng kinh, giảng Luật học, diễn giải Phật pháp và trao đổi nghiệp vụ cần thiết. Đặc biệt trong mùa An cư Kiết hạ, còn có các chương trình do đại diện các cơ quan của tỉnh, thành phố và huyện phổ biến pháp luật nói chung và phổ biến pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng, đồng thời, thông tin tình hình thời sự mới trong và ngoài nước nhằm giúp tăng ni thực hiện tốt đường hướng “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” và có những hoạt động tôn giáo thiết thực phục vụ đời sống văn hóa tâm linh trong cộng đồng.

Theo hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài việc tu tập Phật học, trong mùa An cư Kiết hạ, tăng ni còn được học hỏi thêm về những tri thức thế học như giáo dục công dân, hiến chương, quy chế hoạt động của Giáo hội, luật tín ngưỡng tôn giáo, riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc…, mở ra các buổi trao đổi, tọa đàm về các chủ đề liên quan đến tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Mỗi năm đều có các chủ đề khác nhau, giúp cho tăng ni có thêm kiến thức phật học và thế học để dấn thân hành đạo.

Thượng tọa Thích Thanh Vân cho biết, trong mỗi mùa An cư Kiết hạ, tăng ni được các cán bộ, chuyên gia ở nhiều cơ quan, ban ngành truyền đạt, phổ biến nhiều nội dung liên quan đến pháp luật vô cùng hữu ích.

Có thể kể đến như việc phổ biến Luật Phòng cháy chữa cháy và Nghị định Thông tư hướng dẫn, giúp cho tăng ni có nhận thức tốt hơn về vấn đề phòng cháy, chữa cháy trong bối cảnh những năm gần đây, nhiều cơ quan, công sở, nhà máy bị hỏa hoạn, trong đó có các cơ sở tôn giáo, trên cơ sở đó tăng ni cũng có kinh nghiệm hơn trong xử lý tình huống cháy nổ.

Dù đang đi An cư Kiết hạ, tăng ni cũng luôn nhắc nhở, mọi người phải ngắt cầu dao điện hay cẩn thận hương nến trong chùa. Có thể thấy, thông qua chủ đề này, tăng ni đã ý thức hơn về trách nhiệm bổn phận với ngôi chùa của mình, với cơ sở thờ tự của mình.

Hay như thông qua việc phổ biến về Luật Di sản, tăng ni đã thấy được tầm quan trọng của di sản, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phật giáo. Chủ đề Luật Đất đai giúp cho tăng ni phối hợp hiệu quả với chính quyền thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

“Vấn đề Luật Bảo vệ môi trường, môi trường sinh thái, các vấn đề phóng sinh và nhiều chủ đề thiết thực gần gũi với Phật giáo được phổ biến thông qua các buổi chia sẻ như thế, giúp cho tăng ni rất phấn khởi khi được tiếp cận, được học hỏi, nâng cao trình độ kiến thức của mình, để khi đi hành đạo sẽ không bị ngỡ ngàng tụt hậu trước sự phát triển của đất nước. Đặc biệt là việc phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo là bộ luật rất quan trọng, bộ luật này là kim chỉ nam để giúp cho các tôn giáo thực thi các hoạt động của mình trong khuôn khổ tôn giáo, nhà nước, pháp luật quy định” – Thượng tọa Thích Thanh Vân nhấn mạnh.

Không chỉ ở Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, mà ở nhiều địa phương khác, hoạt động phổ biến pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước trong mùa An cư Kiết hạ cũng diễn ra rất sôi nổi. Ví dụ như, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phổ biến các chuyên đề chính sách đại đoàn kết dân tộc rất hiệu quả, và được đông đảo tăng ni phật tử hưởng ứng. Bên cạnh đó, cũng trong mùa An cư Kiết hạ, Giáo hội Phật giáo và các ngành chức năng của một số thành phố, tỉnh thành như Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh… cũng tổ chức thực hiện phổ biến pháp luật, trong đó trọng tâm là Luật Tín ngưỡng tôn giáo và những vấn đề liên quan trong hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo tại địa phương, giúp chức sắc và tăng ni thực hiện tốt đường hướng “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra.

Điều này góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo ở mỗi địa phương.

Cuối tháng 9/2022, tại TP HCM, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), đề ra phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ IX (2022 - 2027).

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (trái) tiếp nhận Bằng Tuyên dương công đức do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (trái) tiếp nhận Bằng Tuyên dương công đức do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục kiên trì, không ngừng cố gắng, giữ gìn, bảo vệ, phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam; nâng cao chất lượng các hoạt động Phật sự ngày càng đi vào thực tế, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thống nhất với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” và đạt được những thành tựu Phật sự quan trọng ở nhiều hoạt động, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

biệt, Ban Văn hóa Trung ương là đã triển khai bài bản, khoa học Đề án “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc và Di sản”, đạt được kết quả những kết quả ban đầu quan trọng là xây dựng một số bài khóa tụng thống nhất và mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam.

“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn và sức sống Việt Nam; xây dựng lối ứng xử văn hóa trong quan hệ với đồng loại và với thế giới tự nhiên cho các thế hệ, tạo nên vẻ đẹp và bản sắc dân tộc; xây dựng mô hình Văn hóa Phật giáo; ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0...” - Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ IX (2022 - 2027), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm như tiếp tục nghiên cứu, triển khai và phổ biến 4 đề án về pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc và di sản Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng; hoàn thiện các mẫu hoành phi, câu đối bằng tiếng Việt; thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản và Phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam; nghiên cứu, định hướng việc thờ cúng, hiếu hỉ cho các gia đình phật tử tại gia và tang lễ với các sư trưởng, phụ mẫu các vị xuất gia theo văn hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam...