Văn hóa số - “chìa khóa” để chuyển dịch số thành công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế cho thấy, nhu cầu hoạt động trên các nền tảng số ngày càng tăng lên trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Với lượng người dùng như vậy, công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hoá số trở thành một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, nhằm đảm bảo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Bất cứ công dân nào cũng phải có kỹ năng số để sống và làm việc.
Bất cứ công dân nào cũng phải có kỹ năng số để sống và làm việc.

Xây dựng văn hoá số - nhiệm vụ cần thiết, cấp bách

Không thể phủ nhận rất nhiều giá trị tích cực mà Internet và mạng xã hội đã mang lại cho xã hội như cung cấp một môi trường trải nghiệm cuộc sống và thể hiện bản thân, giao lưu và gắn kết cộng đồng, tìm kiếm và truy cập thông tin, đem lại cơ hội việc làm, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, về mặt trái, môi trường rộng mở này đã tạo điều kiện cho một bộ phận người dùng lạm dụng để trục lợi, lan truyền thông tin thất thiệt, công kích cá nhân và tổ chức, gây hại cho cộng đồng, thậm chí chống phá Đảng và nhà nước,… Đơn cử, trong thời gian cả nước chung tay phòng chống dịch, nhiều cá nhân đã đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, làm nhiễu loạn, gây hoang mang dư luận, cản trở công tác phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước cùng toàn dân.

Bên cạnh đó, trên không gian mạng, người dùng có thể bị xâm phạm đời tư, bị lừa đảo, bị theo dõi cũng như đối mặt với nhiều nguy cơ khác. Nguy hiểm hơn hết chính là môi trường mạng hiện nay đang bị “vẩn đục” bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hoá tràn lan như bình luận tục tĩu, chửi bậy, miệt thị, phát ngôn gây sốc, “ném đá” cộng đồng, đăng tải video clip “dìm” người khác,… nhưng tất cả những hành vi, ngôn từ này đều được coi là “bình thường” trên mạng. Thậm chí những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, sở hữu lượng người theo dõi đông đảo, lại là những người “khởi xướng” cho những “trào lưu bóc phốt” vô nghĩa, vô căn cứ, nhằm “câu view”, thoả mãn “cái tôi nổi tiếng” và kích động cộng đồng công kích những cá nhân, tổ chức khác. Những biến tướng cho thấy một sự xuống cấp đáng báo động trong văn hoá mạng hiện nay, nhất là văn hoá ứng xử, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, của mỗi người dân cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa mạng thực sự lành mạnh.

Văn hóa mạng tuy là một bộ phận cấu thành của văn hóa Việt Nam, nhưng bởi trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu cho sự phát triển đất nước, công cuộc xây dựng những công dân mạng có văn hoá mới được quan tâm, phát triển trong những năm gần đây. Không chỉ giới chức trách, giới học thuật, các nhà quản lý mà phần lớn xã hội cũng đang dần nhận ra những hệ luỵ khôn lường từ các biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, văn hóa truyền thống “tưởng chừng vô hại” trên mạng. Nếu không sớm có biện pháp giáo dục, chấn chỉnh kịp thời, các thiết chế, chế tài ngăn chặn thì rất có thể những hiện tượng đó sẽ tiếp tục lan rộng và phát triển thành những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm mất đi hình ảnh đẹp về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Khẳng định tầm quan trọng của con người và nền văn hoá, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội số con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” năm 2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Những bình luận ác ý “tưởng chừng vô hại” trên mạng có thể để lại hậu quả khôn lường với người khác.

Những bình luận ác ý “tưởng chừng vô hại” trên mạng có thể để lại hậu quả khôn lường với người khác.

Trong Quyết định số 749/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã khẳng định 6 quan điểm chủ đạo, trong đó quan điểm thứ 2 chính là “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số”. Muốn đạt được mục tiêu chính của Quyết định là đưa Việt Nam thành một quốc gia số, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm đầu tiên của Chương trình này được xác định là xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có đủ năng lực đi ra thế giới.

Đáng nói, tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, GS.TS Phạm Tất Dong đã chỉ ra trong bài tham luận về “Công dân số và văn hoá số” như sau: “Để đạt được mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vấn đề quan trọng nổi lên là xây dựng được mô hình công dân số và những quy tắc ứng xử chuẩn mực đạo đức mà công dân số phải tuân thủ để sống, làm việc, hoạt động xã hội, giao lưu... trong môi trường số. Đó chính là yếu tố cốt lõi được gọi là văn hóa số”.

Rèn luyện phẩm chất của công dân số

Trong giai đoạn 2021-2025, bất cứ công dân nào cũng phải có kỹ năng số để sống và làm việc, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định. Trong khi văn hoá số còn khá mới mẻ đối với Việt Nam thì trên thế giới, người ta đã liệt kê ra 9 kỹ năng cơ bản của người dân sống trong môi trường số, gắn với đó là 9 tiêu chí ứng xử trên không gian mạng. Đó là: Truy cập số; Thương mại số (Mua bán điện tử); Truyền thông số (Trao đổi thông tin điện tử); Kiến thức số (Dạy và học về công nghệ và sử dụng công nghệ số); Nghi thức số (Tiêu chuẩn hành vi sử dụng dữ liệu số); Luật lệ số (Đạo đức và hành vi tuân thủ luật lệ trên mạng); Quyền và trách nhiệm số; Sức khỏe thể chất và tâm lý số; An ninh số.

Theo đó, trang bị cho công dân những kỹ năng và phẩm chất của năng lực số cũng chính là một trong những nội dung được đề cập tới trong Bộ tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu công dân học tập do Hội Khuyến học Việt Nam soạn thảo, theo Đề án “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/7/2021.

Mặt khác, theo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”, các tổ chức, cơ quan, nhà trường và gia đình cũng có trách nhiệm phải phối hợp chặt chẽ giữa trong việc tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, bồi dưỡng các kỹ năng ứng phó với các tình huống trên mạng. Theo đó, các cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh phải mẫu mực về văn hóa, có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em tham gia mạng xã hội; có những lời khuyên hữu ích và có những tác động điều chỉnh khi cần thiết. Cơ quan chuyên trách tích cực tìm kiếm những thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác…, gửi tới nhà cung cấp dịch vụ người dùng đăng tải và yêu cầu gỡ bỏ.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Theo đó, công cuộc xây dựng một nền văn hoá số lành mạnh lần nữa được khẳng định là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, xuyên suốt nhằm góp phần bảo vệ xã hội khỏi bị ảnh hưởng xấu từ Internet và mạng xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ - đối tượng được đánh giá bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các website xấu, thông tin độc hại trên mạng.

Văn hóa mạng đòi hỏi cách đối nhân xử thế tương ứng như cuộc sống đời thực, trong tất cả các mối quan hệ xã hội trên không gian mạng. Mọi cư dân mạng đều phải tuân thủ những quy tắc chung như tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Có thể kể đến như bình luận phải khách quan, lịch sự, tế nhị; không bình luận vội vàng, ác ý, mang tính xúc phạm; kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ; có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng; cập nhật Luật An ninh mạng để hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng…

Đọc thêm