Văn hóa và chữ tín

(PLO) - Nhân có việc gia đình, lần đầu tiên người viết bài này đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cũng có nghĩa là lần đầu tiên được đặt chân đến Khu đô thị Times City (Hà Nội).
Văn hóa và chữ tín

Nhà đầu tư rất giàu thì đương nhiên rồi. Nhưng điều khác biệt nhận ra ngay đó là tầm nhìn và văn hóa đầu tư. Không nói đến chất lượng khám chữa bệnh, đập vào mắt người viết bài này là những áp phích xin lỗi vì tòa nhà đang nâng cấp một số thiết bị, hạng mục nên có thể làm phiền đến khách, được căng ngay ở phía ngoài sảnh, trong thang máy…của Bệnh viện.

Cảm thấy ấm lòng, được tôn trọng.

Chi tiết rất nhỏ, nhưng không phải ai cũng biết làm. 

Chúng ta đang sống trong một môi trường khách hàng có thể bị lừa đảo, ăn cắp niềm tin bất cứ lúc nào nên những câu chuyện hết sức bình thường thuộc về ứng xử bỗng trở nên quý hiếm, xa xỉ. Xin nhắc thêm về Khu đô thị Linh Đàm để bạn đọc tiện so sánh. Phải khóc cho một khu đô thị vốn được “vẽ ra” như một khu đô thị mới kiểu mẫu. Từ khi HUD “xén” đất bán cho ông chủ Tập đoàn Mường Thanh thì đã trở thành thảm họa. Tắc đường, bụi bặm… đã trở nên kinh hồn. Văn hóa “bóc ngắn cắn dài” ở Khu đô thị Bắc Linh Đàm ngược hẳn với Khu đô thị Times City.

Có một bài học chẳng bao giờ xưa cũ mà doanh nhân nào cũng phát biểu được nhưng không dễ để thực hiện bằng hành động. Đó là bài học làm ăn bắt đầu bằng chữ tín. Xin trở lại câu chuyện ầm ỹ trên báo chí tuần qua, đó là việc Tập đoàn Khaisilk đã nhập khăn lụa Trung Quốc về Việt Nam gắn mác thương hiệu Khaisilk “Made in Vietnam” rồi bán với giá cao gấp nhiều lần, từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng mỗi chiếc. Đó là lừa đảo và ăn cắp của những “doanh nhân” chỉ nghĩ đến tiền. Đạo đức của họ bằng zero.

Chợt nhớ, 10 năm trước, thương hiệu “Khóa Minh Khai” bị chính Công ty Khóa Minh Khai “kết liễu” khi họ làm giả với số lượng lớn. Họ đã nhẫn tâm nhập khẩu khóa Trung Quốc về, bóc logo, gắn logo Minh Khai và bán ra thị trường. Toàn bộ lô khóa khoảng 10.000 chiếc được đặt từ bên kia biên giới, in sẵn nhãn mác “Khóa Minh Khai” và nhập về. Sau đó, đơn vị này tiếp tục cho in thêm một số chi tiết trên vỏ hộp như “Tiêu chuẩn ISO 9000 - 2000”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao 2006” rồi cho xuất xưởng. 

Trên thị trường khi đó, giá bán một ổ khóa Minh Khai loại này là 84.000 đồng nhưng với loại khóa Trung Quốc nói trên thì chỉ nhập với giá khoảng 30.000 đồng. Siêu lợi nhuận.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, không cần quảng cáo quá nhiều, không thể phát động “người Việt dùng hàng Việt” nếu “lừa đảo” khách hàng. 

Lòng tin của người tiêu dụng quyết định sự tồn tại của một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Không thể xây dựng được một thương hiệu nếu giữa mãi tư duy “bóc ngắn cắn dài”. Để có được chữ “Tín” phải đánh đổi bằng chính văn hóa của nhà đầu tư.

Đọc thêm