Nhận tiền cọc rồi “lặn”
Gần đây, người tiêu dùng liên tục lên tiếng cảnh báo chuyện bị lừa khi đặt mua khẩu trang. Do khẩu trang khan hiếm, các nhà thuốc thường hết hàng, còn tại các “chợ” vật phẩm y tế thì phải xếp hàng vài tiếng đồng hồ mới mua được, nhiều người lên mạng “săn” khẩu trang.
“Đánh” vào tâm lý này, những đối tượng lừa đảo đã rao bán khẩu trang y tế. Sau khi nhiều người vào đặt mua, lấy lý do “hút hàng”, người bán yêu cầu người mua chuyển khoản đặt cọc trước. Hàng loạt người đã đặt cọc, sau khi tiền vừa được báo chuyển khoản xong, người bán lập tức biến mất.
Chị Nguyễn Thị Hoài Trinh, ngụ đường Trường Sa, quận Phú Nhuận (TP HCM) cho biết: “Sau khi đi gần chục nhà thuốc tây mà không mua được khẩu trang, tình cờ thấy có người bán hàng online rao bán khẩu trang y tế với mức giá chấp nhận được, tôi đã đăng kí mua 6 hộp để cả gia đình dùng. Sau khi tôi đặt mua, người bán nhắn tin đề nghị tôi chuyển khoản 30% số tiền, vị chi 300 ngàn đồng để giữ hàng.
Tôi sợ hết hàng nên vội vàng chuyển khoản. Sau khi báo cho người bán tiền đã chuyển tới, tôi bị người này chặn facebook, không thể nào liên lạc được. Sau đó, nhiều chị em khác cũng lên tiếng tố mình bị lừa, có người mua số lượng nhiều chuyển khoản vài triệu đồng, mất trắng. Tôi nghĩ số người bị lừa cho những trường hợp như trên là không ít”.
Cũng mới đây, Công an Nghệ An đã bắt được Lê Thị Lan Na (19 tuổi, Nghĩa Đàn, Nghệ An) để điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vì cô gái này lên mạng rao bán khẩu trang giá rẻ, lừa đảo hàng loạt người chuyển khoản đặt cọc và bỏ trốn, thu lợi số tiền hơn 200 triệu đồng, trong đó có những người chuyển cho Lan Na gần 10 triệu đồng tiền đặt cọc.
Việc chuyển khoản trước để đặt hàng đối với những cá nhân xa lạ trên mạng xã hội quả là khinh suất, nhưng quả thật, khẩu trang y tế đã trở thành một mặt hàng khan hiếm mà người ta phải giành nhau mua tại chỗ và chấp nhận may rủi chi tiền trước vì sợ không mua được.
Lê Văn Đạt, chủ một cơ sở sản xuất khẩu trang cho biết, thời điểm này hết nguồn nguyên liệu để sản xuất nên anh chuyển sang nhận hàng từ các nhà máy lớn đem về bán lại. Khách đặt hàng đông, nhưng mỗi lần đi giao hàng cho khách, đích thân anh này và nhân viên của mình phải “áp tải” khẩu trang đi giao. Đã không ít trường hợp thực tế giao khẩu trang cho shipper đi giao hàng, shipper khóa máy và ôm khẩu trang biến mất(!).
Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Liên quan đến mặt hàng khẩu trang, mới đây thông tin Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội khám phá ra cơ sở thu gom 620kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng từ vùng dịch Vĩnh Phúc đã khiến nhiều người dân lo lắng.
Trước đó, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã cảnh báo hiện đang có tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch để thu gom khẩu trang y tế dùng một lần và bán lại.
Cạnh đó, tình trạng khẩu trang y tế giả cũng đã xuất hiện trên thị trường. Tổng cục QLTT đã phát hiện một xưởng in làm giả khẩu trang y tế bằng việc dùng giấy vệ sinh thay thế lớp vải kháng khuẩn.
Khẩu trang giả, kém chất lượng nhưng bên ngoài cũng được in ấn là khẩu trang y tế 4 lớp như thật. Số khẩu trang này được tuồn bán ra ngoài trên mạng xã hội. Tiếp đó, liên tiếp nhiều vụ khẩu trang y tế giả cũng đã được phát hiện ra bởi cơ quan chức năng và người dân.
Điều này dấy lên mối lo ngại về tác hại không mong muốn khi người dân vô tình sử dụng khẩu trang tái sử dụng, khẩu trang giả. Khi ấy, khẩu trang không những không có tác dụng đề phòng virus mà còn khiến tăng nguy cơ lây lan virus gây bệnh.
Tương tự, hiện nay nước rửa tay giả cũng được sản xuất hàng loạt tại các cơ sở tư nhân rồi bán nhan nhản trên mạng. Có loại nhái thương hiệu uy tín, có loại hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng có loại được quảng cáo là sản xuất từ tinh dầu, thảo mộc và các chất kháng khuẩn tự nhiên…
Giờ đây, khẩu trang y tế, nước rửa tay và một số sản phẩm y tế ăn theo mùa dịch như cồn, nước nhỏ mắt, nước muối sinh lý… là mặt hàng bán chạy, khan hiếm hơn ngày thường, đồng thời đem lại cho người bán lợi nhuận khổng lồ.
Chính vì thế, nhiều kẻ hám lợi đã tìm mọi cách lừa đảo, sản xuất giả… trục lợi vào mùa dịch. Trong lúc chờ cơ quan chức năng xử lý, người tiêu dùng cũng nên có sự thận trọng, không vì sợ dịch mà hoảng sợ, mua bằng mọi giá, thiếu sự tỉnh táo dẫn đến trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ táng tận lương tâm.