Vấn nạn bạo hành tinh thần: Cần nhìn lại tính hiệu quả của chế tài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong gia đình, bạo lực tinh thần rất phổ biến nhưng lại khó nhận dạng so với bạo lực thể chất. Người trong cuộc gọi đây là kiểu bạo hành “hộp đen”, tức bạo hành không nhìn thấy được, không ầm ĩ, không gây sự chú ý. Dù đã bị pháp luật “điểm mặt, chỉ tên” nhưng cần nhìn nhận lại hiệu quả thực hiện chế tài này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những cuộc bạo hành “hộp đen”

Một khảo sát gần đây của Trung tâm Tư vấn Hồn Việt TP HCM cho thấy, bạo hành kiểu “hộp đen” chiếm 72% trên tổng số hơn 500 trường hợp cần tư vấn. Tại thành phố Đà Nẵng, trong 4.200 vụ ly hôn, có 3.516 vụ do mâu thuẫn gia đình, tình cảm rạn nứt khi người chồng, hoặc vợ thường xuyên chì chiết, xúc phạm nhau khiến họ cảm thấy cuộc sống vô cùng ngột ngạt. Báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, từ năm 2012 - 2017 đã xảy ra 51.227 vụ bạo lực về tinh thần…

Chị H.P - một giảng viên tại một trường đại học trên địa bàn TP HCM đã nhiều lần đơn phương nộp đơn xin ly hôn rồi sau đó lại ngậm ngùi xin rút đơn. Không phải do chị không muốn tự giải thoát cho mình khỏi cuộc hôn nhân đầy bế tắc mà là chị không có đủ can đảm nói lên lý do xin ly hôn. Vì thế, đã nhiều lần khi tới tòa, cứ sau vài câu khuyên nhủ với mục đích hàn gắn tình vợ chồng của vị thẩm phán, chị lại lặng lẽ rút đơn về.

Hai vợ chồng chị đều là giảng viên, có học vấn cao nhưng phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tuy khoác bên ngoài lớp vỏ trí thức là vậy nhưng chồng chị lại thường xuyên dùng ngôn từ “chợ búa” với vợ. Bất kể chuyện gì trái ý, anh ta cũng đều chì chiết vợ thậm tệ, còn lôi cả gia đình vợ ra mắng nhiếc... Bảy năm chung sống, chị luôn phải chịu đựng miệng lưỡi cay độc của người chồng với mình.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Khoa học xét xử - TANDTC, trong 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình được xét xử, 42% là án ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trong số đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép chồng quan hệ tình dục là 1,6%.

Chị Lê Thị Ngọc Bích công tác tại Ngôi nhà Bình Yên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, thỉnh thoảng vẫn nhận được sự cầu cứu của các ông chồng và buổi tham vấn cho trường hợp này thường kéo dài bởi những giải pháp đưa ra thường khó áp dụng hơn đối với người bị bạo hành là nữ giới. Như trường hợp ông M là đại tá quân đội bị vợ là giáo viên mầm non về hưu bạo hành.

Từng đau khổ khi phát hiện chồng có bồ nhí từ hồi ông còn trẻ, cho đến khi về hưu, người vợ luôn ám ảnh, thậm chí nghi ngờ chồng có quan hệ một lúc với bảy cô gái. Bởi thế, bà kiểm soát chồng từ lời nói đến việc làm. Ban đêm, sợ ông trốn ra khỏi nhà, bà buộc chỉ vào tay ông, rắc vôi bột dọc lối đi từ giường ra cửa. Những lúc nổi máu Hoạn Thư, bà lấy chai bia chồng đang uống đập vào đầu chồng chảy máu. Cuối cùng, chịu không nổi, ông M tìm đến trung tâm để cầu cứu.

Làm gì để giảm bạo hành tinh thần?

Các chuyên gia tâm lý đánh giá, vấn nạn bạo hành về tinh thần tuy không gây ra vết thương trên cơ thể nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thần kinh của nạn nhân. Người bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài rất có thể sẽ dễ dẫn đến tình trạng suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí, có thể còn nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết. Trường hợp anh Nguyễn Hữu T, kỹ sư tin học 35 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội là một ví dụ.

Từ ngày lấy nhau, chị vợ mỗi ngày chỉ đưa cho anh T mười nghìn đồng ăn sáng và tiền xăng xe. Có hai mặt con, chị bắt đầu chì chiết chồng không biết cách kiếm tiền nuôi vợ con. Ðã thế, chị nảy sinh ghen tuông vô cớ nên anh thường xuyên bị vợ kiểm tra điện thoại, cặp đi làm và túi quần áo. Giải thích không xong, anh T chọn biện pháp im lặng. Cho là chồng “cứng đầu”, vợ anh dùng móng tay cào nát mặt anh, đấm đá và không cho ngủ cùng giường. Dần dần, anh T rơi vào trạng thái trầm cảm, sợ về nhà, cuối cùng tìm tới cái chết.

Để giải quyết thực trạng trên, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, các hành vi bạo lực tinh thần sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tương ứng với từng hành vi.

Sau một thời gian thực hiện, hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi và riêng trong phạm vi gia đình, mức phạt tối đa được đề xuất tăng hơn rất nhiều. Đơn cử như dự thảo Nghị định đề xuất phạt 5-10 triệu đồng với người lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình, trong khi mức hiện hành cao nhất là 1 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Trung Trực - Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đã có nhận định, bạo lực gia đình liên quan chặt chẽ đến cá nhân và mối quan hệ gia đình riêng tư, nên việc xử lý hành chính bằng phạt tiền hay xin lỗi nạn nhân, thậm chí cả hình phạt tù, không hẳn là phương thức hữu hiệu. Pháp luật cần có thêm những quy định chặt chẽ nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực tinh thần trong gia đình.

Cùng quan điểm, ở góc độ xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, những hành vi này rất khó để bị xử phạt bởi hiếm gia đình nào tự đi tố cáo nhau. Bộ Công an cần quy định cụ thể hơn nữa về các hành vi, hoàn cảnh, trường hợp và cách phổ biến để người dân được tiếp cận nhiều và hiểu hơn.

Đọc thêm