Văn phòng UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
ảnh minh họa.
ảnh minh họa.

Theo dự thảo Thông tư, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực Trung ương là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương;

Tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; đầu mối kết nối, liên thông các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; đầu mối Cổng Thông tin điện tử;

Quản lý công báo và phục vụ các hoạt động chung của UBND cấp tỉnh; giúp Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng; tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ (đối với địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ), công tác dân tộc (đối với địa phương không tổ chức riêng Ban Dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh).

Văn phòng UBND cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Dự thảo Thông tư đề xuất mười sáu nhiệm vụ, quyền hạn đối với Văn phòng UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Thứ nhất, trình UBND cấp tỉnh ban hành: Quy chế làm việc của UBND cấp tỉnh; văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND cấp tỉnh; văn bản hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng HĐND và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); kế hoạch liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Thứ hai, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo phân công.

Thứ ba, tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của UBND cấp tỉnh.

Thứu tư, phục vụ hoạt động của UBND cấp tỉnh.

Thứ năm, tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh (bao gồm cả Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như triệu tập, chủ trì các phiên họp, cuộc họp, hội nghị (gọi chung là cuộc họp) của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh….

Thứ sáu, tiếp nhận, xử lý, trình UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết những văn bản, hồ sơ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi, trình (văn bản đến); phát hành, quản lý, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện văn bản của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Thứ bảy, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.

Thứ tám, tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh về kiểm soát thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ chín, tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; lưu trữ tài liệu điện tử; gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy; là đầu mối triển khai kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành và các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành tại các cấp chính quyền địa phương (nếu có).

Thứ mười, tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao (đối với địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ).

Mười một, tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc (đối với địa phương không tổ chức riêng Ban Dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh).

Mười hai, bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Mười ba, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ.

Mười bốn, thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác quản trị nội bộ.

Mười năm, định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất, báo cáo UBND cấp tỉnh, Văn phòng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mười sáu, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm