Vận tải hành khách dịp Tết 2019: Cạnh tranh quyết liệt giữa xe tuyến cố định và xe Limousine

(PLO) - Trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch tới đây, dự báo lượng khách đi lại tăng từ 20% đến 40% so với ngày thường. Trong bối cảnh hình thức vận tải hành khách (VTHK) xe Limousine đang phát triển một cách chóng mặt, các doanh nghiệp (DN) VTHK tuyến cố định phải gồng mình cạnh tranh.
Hà Nội hiện có trên 10.000 xe Limousine hoạt động, cạnh tranh quyết liệt với xe khách tuyến cố định
Hà Nội hiện có trên 10.000 xe Limousine hoạt động, cạnh tranh quyết liệt với xe khách tuyến cố định

Xe tuyến cố định sẵn sàng

Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, Tết Dương lịch năm nay cán bộ, viên chức, người lao động được được nghỉ 4 ngày (từ ngày 29/12/2018 đến hết ngày 1/1/2019). Tết Nguyên đán được nghỉ 9 ngày (từ ngày 2/2/2019 đến hết ngày 10/2/2019),  do đó, dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng từ 20% đến 40% so với ngày thường. Ùn tắc có thể xảy ra.

 “Nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng, xe tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày”, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình nói và cho biết thêm, để chủ động trong trường hợp khách tăng đột biến, bến xe ngoài việc chuẩn bị xe dự phòng, xe tăng cường sẽ họp với các DN vận tải tăng cường thêm xe ở các tuyến đông khách như Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Lào Cai…

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, Tết Dương lịch và Âm lịch 2019 tới đây là hai kỳ nghỉ lễ quan trọng nên lượng khách sẽ tăng đột biến. Để phục vụ tốt cho công tác vận tải dịp này, Bến xe Giáp Bát sẽ bố trí đi làm 100% quân số, không nghỉ bù trong cả hai dịp Tết. Theo ông Thành, bến xe sẽ phối hợp với các đơn vị vận tải, lên kế hoạch tăng cường thêm xe, không để tình trạng lượng khách quá tải. 

Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), riêng dịp Tết Dương lịch, tổng các bến sẽ tăng cường trên 230 lượt xe; trong đó tăng tại Bến Giáp Bát trên 80 lượt, Bến Gia Lâm trên 40 lượt, Bến Mỹ Đình trên 100 lượt…

Xe Limousine cạnh tranh quyết liệt

Hiện nay, lượng khách vào bến xe có xu hướng giảm do sự cạnh tranh gay gắt từ hình thức xe khách Limousine. “Ngày thường, Bến Mỹ Đình hoạt động bình quân với khoảng 50% hệ số tải trọng phương tiện”, lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình cho biết. Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng đánh giá, do sự phát triển của hình thức vận tải xe Limousine, lượng khách đến các bến trong dịp Tết được dự đoán sẽ không “nóng” và đông như các năm trước.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt (Hà Nội), tại địa bàn Hà Nội, hiện có khoảng hơn 10.000 xe Limousine hoạt động với rất nhiều DN quản lý. “Hình thức VTHK bằng xe Limousine đang phát triển rất nóng”, ông Bằng nhận định và cho biết thêm, những xe này rất thuận tiện cho người dân vì sự linh hoạt, đưa đón tận nơi, di chuyển nhanh, dù giá cả cao hơn chút so với tuyến cố định. “Hình thức nào lợi cho người dân mà pháp luật không cấm thì nên ủng hộ. Tới đây, nếu hành khách có nhu cầu, chúng tôi cũng sẽ kinh doanh theo hình thức xe Limousine”, Giám đốc hãng xe Sao Việt nói.

Lãnh đạo DN này cũng cho biết, do sự cạnh tranh quyết liệt của xe Limousine, các DN tuyến cố định cũng phải căng mình để giữ khách bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo ông Bằng, trong sự cạnh tranh này, các DN xe tuyến cố định gặp bất lợi do quy định hiện nay quá khắt khe. “Nên bỏ một số điều kiện kinh doanh trong VTHK tuyến cố định, trong đó cho phép các xe này có những điểm dừng đỗ khác nhau ngoài bến để tiện cho việc phục vụ hành khách”, ông Bằng đưa ra ý kiến.

Dưới góc độ quản lý nhà nước (QLNN), lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, xe Limousine có hình thức VTHK như xe tuyến cố định nhưng là “trá hình” dưới vỏ bọc xe hợp đồng.

“Hình thức VTHK này không chỉ là bất cập ở Hà Nội mà chung của cả nước”, lãnh đạo Phòng Quản lý vận Hải Hà Nội đánh giá và cho biết, để thay đổi được bất cập này thì đòi hỏi phải thay đổi cơ chế chính sách. Theo vị này, các DN loại hình này đang lợi dụng nhu cầu đi lại cao của hành khách để hoạt động. Còn hành khách chấp nhận hoạt động này bởi chất lượng xe và sự nhanh chóng, linh hoạt. “Về mặt QLNN, chúng tôi đã có kiến nghị để sửa đổi trong Nghị định 86, trong đó có nội dung về giám sát để quản lý hoạt động các DN hoạt động xe hợp đồng. Hiện Bộ GTVT đang tổng hợp ý những kiến này”, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải Hà Nội cho biết.

Về việc xử lí hoạt động xe Limousine, theo vị này là không dễ dàng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, trong đó có thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương sở tại. “Riêng một đơn vị thì khó xử lí triệt để”, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải Hà Nội nói.

Theo một số chuyên gia giao thông, hình thức vận tải nào thuận tiện cho người dân thì nên để phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, cơ quan QLNN cần có cơ chế quản lý phù hợp, tránh tình trạng không quản được thì cấm.

Đọc thêm