Vàng bất ổn, áp lực bán tháo suy giảm

(PLO) - Giá vàng hôm nay 7/7 chứng kiến sự bất ổn của giá vàng, tuy nhiên, biên động tăng - giảm lại diễn ra trong phạm vi hẹp và không làm thị trường xáo trộn.

Trong nước, mở cửa lúc 8h30 sáng 7/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 36,14 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,22 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 20 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chiều qua.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,29 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 20 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chiều ngày 6/7.

Vàng thế giới

Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York cũng hồi phục lên mức 1.225,2 USD/ounce.

Hiện giá vàng cao hơn 6,5% (+75 USD/ounce) so với cuối năm 2016. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá gần 34 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng trong nước 2,4 triệu đồng/lượng.

Chiều muộn thứ Tư (5/7), giá vàng giảm nhẹ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng Sáu cho thấy ngân hàng này sẵn sàng bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và thu hẹp bảng cân đối trị giá 4.500 tỷ USD.

Biên bản này cũng cho thấy sự không thống nhất giữa các quan chức về thời gian chính xác Fed sẽ thực hiện các động thái này.

Biên bản cho thấy “ủy ban ra chính sách của Fed bị chia rẽ về việc lạm phát có tác động như thế nào đến tốc độ nâng lãi suất”, theo Naeem Aslam, trưởng bộ phận phân tích tại ThinkMarkets ở Anh.

Tuy nhiên, triển vọng trong ngắn hạn đối với vàng, nhất là theo phân tích kỹ thuật vẫn chưa sáng sủa. Lợi tức tăng cao trên thị trường trái phiếu thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp tới giá vàng.

Phân tích kỹ thuật cho thấy, xu hướng giảm ngắn hạn là chủ đạo. Ngưỡng kháng cự gần nhất là đỉnh cao hôm qua: 1.229,5 USD/ounce và sau đó là: 1.260 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là thấp điểm đêm qua: 1.222,1 USD/ounce và sau đó là: 1.216,5 USD/ounce.

Đọc thêm