Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 55,73-56,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua-bán vàng là 470.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 55,77-56,17 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng 400.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 55,70-56,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua – bán vàng là 500.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.830,70 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.160), tương đương 51,65 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 4,55 triệu đồng/lượng.
Sau tuần tăng giá mạnh nhất từ đầu năm, giá vàng thế giới được dự báo đứng trước cơ hội trở lại mốc 1.900 USD ngay trong tuần này, nếu sớm vượt vùng 1.851 USD/ounce vào đầu tuần. Các giới phân tích lẫn nhà đầu tư đều kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục có sự bứt phá trong những ngày tới.
Tuần này, 14/16 nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News lạc quan về triển vọng tăng của giá vàng và hai người còn lại dự báo ngược chiều.
Tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street, có 1.485 nhà đầu tư tham gia trả lời trực tuyến, trong đó tới 76% người được hỏi nói giá vàng sẽ tăng, chỉ 14% nói giá vàng giảm và số còn lại cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Mức tiếp theo của giá vàng thế giới được dự đoán là vùng 1.850 USD/ounce, trong bối cảnh báo cáo về số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 4/2021 của Mỹ thấp hơn kỳ vọng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Tuần này, các nhà phân tích cũng đồng thuận những trợ lực sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng là lo ngại lạm phát giá tăng và đồng USD tiếp tục suy yếu.