Vào "hầm" trú ẩn giữa thời bình

“Để giữ mạng sống, chúng tôi đành phải chạy ra ngoài bán kính nguy hiểm mỗi khi mìn nổ. Những người già, trẻ em không chạy được thì phải ẩn nấp vào những tấm ván như ngồi dưới hầm do các gia đình tự tạo để được an toàn” - ông Lê Văn Thèn phản ánh về "hệ quả" hoạt động khai thác mỏ đá Hồng Phong, Lạng Sơn.

Trong đơn gửi Pháp luật Việt Nam, hộ các ông Trần Văn Đoóng, Nguyễn Duy Hiền, Lê Văn Thèn và Lê Văn An sống quanh khu vực mỏ đá Hồng Phong (xã Cai Kinh, Hữu Lũng, Lạng Sơn) bức xúc: “Từ ngày, mỏ đá Hồng Phong đi vào hoạt động, cứ đến giờ nổ mìn, chúng tôi phải đi “sơ tán” vì đất đá rơi tung tóe  vào nhà, vào người…”.

Gần đây, đơn vị khai thác cho nổ mìn với lượng thuốc nổ rất lớn, khiến nhiều hòn đá to rơi vào làm gãy cả xà nhà ông Nguyễn Duy Hiền và nứt nhiều nhà khu vực lân cận. 

Tai họa có thể ập đến người lao động bất cứ lúc nào
Tai họa có thể ập đến người lao động bất cứ lúc nào
Các hộ dù đã nhiều lần phản ánh sự việc, nhưng phía mỏ đá Hồng Phong luôn đổ trách nhiệm cho công nhân nổ mìn không đúng quy cách và chỉ hứa sẽ rút kinh nghiệm. “Để giữ mạng sống, chúng tôi đành phải chạy ra ngoài bán kính nguy hiểm mỗi khi mìn nổ. Những người già, trẻ em không chạy được thì phải ẩn nấp vào những tấm ván như ngồi dưới hầm do các gia đình tự tạo để được an toàn” - ông Lê Văn Thèn cho biết. 
Không chỉ vậy, hằng ngày, người dân ở đây còn hứng chịu cảnh khói bụi do hoạt động khai thác đá gây ra. Bụi đá bao phủ một lớp dày đặc lên hoa màu, nhà cửa gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hoa màu. 
“Nhiều đơn thư khiếu nại đã được gửi đến UBND xã Cai Kinh, UBND huyện Hữu Lũng và cả tỉnh Lạng Sơn nhưng chẳng hiểu sao không hề được giải quyết, trả lời. Trước khi chưa xảy ra việc bị đá rơi vào người gây tai nạn, chúng tôi kính mong Báo PLVN góp một tiếng nói để các cấp chính quyền vào cuộc, cho gia đình chúng tôi được yên ôn” - các hộ dân mong mỏi.

Xấp xỉ 50 triệu tấn than/năm là sản lượng TKV đã khai thác được. Để có món lợi này, có năm TKV thải ra môi gần 200 triệu mét khối chất thải. Từ 2001 - 2009, nhiều lao động đã tử nạn ở Quảng Ninh; năm 2010, vụ bục lò ở mỏ Dương Huy cướp đi sinh mạng 3 công nhân. Trước đó, vụ nổ khí mêtan tại mỏ Khe Chàm cũng chôn vùi 9 thợ lò. 9 người đàn bà bỗng một ngày trở thành góa bụa, nhiều đứa trẻ tự dưng mồ côi cha.

Hơn 22 ngàn tỷ đồng là tổng mức đầu tư Dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Để hoạt động, hơn 4.000 dân phải rời khỏi mảnh đất mà họ găn bó nhiều đời. Nhưng hiện nay, chính quyền đang hoang mang bởi nhiều hộ lâm cảnh đói khát khi mà dự án hầu như chẳng thể triển khai được. Trong khi những núi cát khổng lồ từ bãi thải đã hình thành khiến ruộng vườn của người sống, nghĩa trang của người chết bị vùi lấp. 

Gần 500.000 tấn titan (900 tỷ đồng) là con số các DN khai thác khoảng sản ở Bình Định thu được mỗi năm. Nhưng thực tế, ngân sách tỉnh này chỉ thu về được hơn 100 tỉ đồng. Hoạt động khai khoáng thiếu kiểm soát đã khiến mỗi năm tỉnh này  bị “chảy máu” qua đường xuất lậu hơn 400.000 tấn titan, ngân sách mất gần 4 triệu USD thuế xuất khẩu.

Thanh Quý. Tuấn Anh.Phi Hùng

Đọc thêm