Vào tù vì lừa “chạy án”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không nghề nghiệp ổn định nhưng các bị cáo vẫn tự nhận mình có nhiều mối quan hệ, quen biết nhiều lãnh đạo, có thể lo cho người đang vướng lao lý được án treo, “trắng án” nhằm chiếm đoạt vài trăm triệu đồng đến vài trăm tỷ của người quen. Hậu hành vi này, những kẻ lừa đảo “chạy” ngay vào tù.
Bị cáo Trần Trung Tuyến tại tòa.
Bị cáo Trần Trung Tuyến tại tòa.

“Nổ” có nhiều mối quan hệ

TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Lều Thọ Thức (SN 1983, ở Thường Tín, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là vợ chồng anh Nguyễn Huy H (có quan hệ họ hàng với Thức, ở Hà Nội).

Theo cáo trạng, khoảng tháng 2/2018, bà Đinh Thị Nhượng (mẹ vợ anh H) và anh Lều Xuân Lâm (anh vợ anh H) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cơ quan CSĐT) – Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) bắt giữ về tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Khi biết tin bà Nhượng và anh Lâm bị bắt, Thức nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của gia đình người họ hàng trên.

Thức đã gặp gỡ, nói với vợ chồng anh Nguyễn Huy H về việc mình có nhiều mối quan hệ, có thể lo cho bà Nhượng và anh Lâm được tại ngoại, sau này sẽ được án treo với chi phí 5 tỷ đồng. Do tin tưởng Thức nên vợ chồng anh H đã đồng ý, nhờ Thức “chạy án” cho mẹ vợ và anh trai.

Tương tự Thức, Tạ Thị Thùy Dương (SN 1982, ở Long Biên, Hà Nội) cũng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng cách lừa “chạy án”. Hình thức lừa đảo của Dương giống Thức ở chỗ “nổ” bản thân có nhiều mối quan hệ, quen biết nhiều lãnh đạo, có thể “chạy án” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chị Vũ Thị T (SN 1996, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hồ sơ vụ án thể hiện, chị Vũ Thị T có chồng là anh Phạm Thế Đ (SN 1986), làm việc ở tỉnh Bình Dương. Cuối tháng 3/2021, chị T được người quen báo tin anh Đ đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cơ quan CSĐT) Công an TP Thuận An (Bình Dương) bắt giữ về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Do không biết chồng bị bắt giữ ở đâu, về tội gì và sức khỏe như thế nào, chị T đã liên hệ với Tạ Thị Thùy Dương – người quen của 2 vợ chồng, nhờ tìm hiểu sự việc và muốn xin cho anh Đ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 7/4/2021, chị T hẹn Dương đến nhà mình ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để bàn bạc, lo cho anh Đ không bị Cơ quan CSĐT, Công an TP Thuận An xử lý, được về nhà, không bị đi tù. Tại nhà chị T, Dương nói chi phí để lo cho anh Đ không bị xử lý là 500 triệu đồng. Dương hứa hẹn sau khi nhận tiền khoảng 1, 2 tuần, Dương sẽ đưa chị T vào Bình Dương gặp anh Đ tại Công an tỉnh Bình Dương.

Để chị T tin tưởng, Dương nói mình có nhiều mối quan hệ, quen biết nhiều lãnh đạo, có thể lo cho anh Đ không bị xử lý, được về nhà, không bị đi tù. Tin lời Dương nói, chị T đồng ý lo số tiền 500 triệu đồng để đưa cho Dương. Khi đó, tại nhà chị T còn có chị Đỗ Thị H (bạn chị T). Sau khi Dương về, chị T đã đưa cho chị H số tiền 500 triệu đồng nhờ giữ hộ, khi nào Dương yêu cầu, chị H sẽ chuyển khoản cho Dương hộ mình. Bởi khi đó Dương mới sinh con, đi lại gặp nhiều khó khăn.

Bị cáo Tạ Thị Thùy Dương tại tòa.

Bị cáo Tạ Thị Thùy Dương tại tòa.

Ngoài Thức, Dương, vừa qua, TAND TP Hà Nội cũng đưa bị cáo Trần Trung Tuyến (SN 1979, ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là Phạm Thị Thanh Hương (SN 1974, ở Hà Nội).

Theo cáo trạng, Phạm Thanh Hương là đối tượng có liên quan trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy xảy ra vào tháng 6/2020 do Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội thụ lý. Để không bị xử lý hình sự trong vụ án trên, Hương tìm người nhờ “chạy án”.

Thông qua người quen, Hương quen Trần Trung Tuyến, là đối tượng không nghề nghiệp. Qua trao đổi, Tuyến nói có người nhà, có thể giúp được Hương không bị xử lý hình sự trong vụ án trên. Do tin tưởng nên Hương nhờ Tuyến giúp mình.

Chiếm đoạt tiền của người quen, họ hàng

Theo cáo trạng, đầu tháng 3/2018, anh H đưa cho Thức số tiền 2,5 tỷ đồng. Khoảng 1 tuần sau, Thức tiếp tục bảo anh H đưa thêm để lo cho bà Nhượng được tại ngoại ngay trong tuần. Tin tưởng, anh H tiếp tục đưa cho Thức thêm 1,5 tỷ đồng. Khoảng 3, 4 ngày sau, anh H đưa cho Thức 1 tỷ đồng còn lại.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Thức viết giấy biên nhận với nội dung nhận 5 tỷ đồng để mua đất cho vợ anh H, nếu trong thời hạn 2 năm không mua được đất thì hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. Thực tế, sau khi nhận tiền của vợ chồng anh H, Thức không “lo việc” cho bà Nhượng và anh Lâm được tại ngoại và xử án treo như đã hứa hẹn mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết.

Ngày 7/3/2019, TAND TP Hà Nội đã đưa bà Nhượng và anh Lâm ra xét xử. Sau đó, HĐXX tuyên phạt bà Nhượng 6 năm tù, anh Lâm 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Tháng 8/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Do các bị cáo có tình tiết mới để được xem xét giảm nhẹ nên HĐXX đã giảm án cho bà Nhượng xuống còn 4 năm tù, anh Lâm 7 năm tù.

Thấy Thức không lo được việc cho mẹ và anh trai được tại ngoại, hưởng án treo như đã hứa hẹn nên vợ chồng anh H đòi lại tiền. Đến ngày 30/4/2020, Thức mới trả cho vợ chồng anh H được 400 triệu đồng. Ngày 23/10/2020, vợ chồng anh H đã làm đơn gửi cơ quan công an, tố hành vi lừa đảo của Thức, đồng thời giao nộp giấy nhận tiền và USB ghi âm nội dung trò chuyện.

Cũng giống như Thức, sáng 8/4/2021, Dương gọi điện cho chị T, yêu cầu chuyển tiền cho mình theo thỏa thuận. Chị T đã gọi điện cho chị H, nhờ chuyển tiền cho Dương. Chị H đã ra ngân hàng, chuyển cho Dương 500 triệu đồng. Chuyển tiền xong, chị H đã gọi điện cho Dương, yêu cầu viết giấy biên nhận, đưa cho tài xế xe grab mang đến cho mình để đưa cho chị H. Nhận tiền, Dương không thực hiện theo thỏa thuận mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết.

Thấy không được gặp chồng và anh Đ vẫn bị tạm giam nên chị T nhiều lần gọi điện, tìm Dương để đòi lại tiền. Tuy nhiên, Dương trốn tránh, không gặp. Ngày 23/11/2021, chị T đã làm đơn tố cáo Dương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra công an.

Kiến nghị xử lý cán bộ công an

Sau khi nhận được đơn tố cáo của vợ chồng anh H, cơ quan điều tra đã khởi tố Thức về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, Thức đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Đến ngày 24/7/2021, Thức đến Công an TP Hà Nội đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra, Thức khai đã chuyển 3 tỷ đồng cho ông Đậu Quang Dũng (SN 1964, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) để nhờ xin cho bà Nhượng và anh Lâm được tại ngoại và hưởng án treo.

Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, lấy lời khai ông Dũng nhưng ông Dũng không thừa nhận đã cầm tiền của Thức để “chạy án” cho bà Nhượng và anh Lâm. Ngoài lời khai của Thức, cơ quan điều tra không thu giữ được tài liệu khác chứng minh nên không xem xét, xử lý ông Dũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với hành vi nêu trên, Thức bị HĐXX tuyên phạt 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tương tự Thức, vừa qua, bị cáo Tạ Thị Thùy Dương cũng bị HĐXX TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối với Trần Trung Tuyến, theo cáo trạng, Tuyến đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 800 triệu đồng của Hương nên bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, trong vụ án do Trần Trung Tuyến gây ra, cơ quan điều tra còn kiến nghị xử lý một cán bộ công an.

Theo cáo trạng, sau khi được Hương “nhờ giúp”, Tuyến đã gọi điện thoại cho bà Nguyễn Thị Tuyết M (SN 1964, ở Phú Thọ) – người có quan hệ quen biết với anh Lê Hồng P (đang công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội). Bà M đã hỏi anh P về vi phạm của Hương. Anh P nói vụ việc trên không do anh thụ lý, giải quyết nhưng anh sẽ hỏi giúp.

Sau đó, bà M trao đổi với Tuyến việc nhờ người giúp Hương nhưng không nói số tiền phải lo là bao nhiêu. Mặc dù chưa biết chính xác bà M sẽ giúp như nào nhưng Tuyến lại đưa ra mức giá “chạy án” với Hương là 800 triệu đồng. Nhận tiền, Tuyến đưa cho bà M 500 triệu đồng để lo việc. Số tiền còn lại, Tuyến sử dụng cá nhân.

Về phía bà M, sau khi nhận tiền, bà đã gặp anh P, đưa túi hoa quả cùng số tiền 200 triệu đồng. Anh P về nhà thấy tiền nên hỏi lại bà M thì được biết đó là tiền để lo cho Hương không bị xử lý hình sự. Anh P không đồng ý giúp nên chuyển trả lại số tiền trên cho bà M.

Ngày 4/11/2020, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội thi hành lệnh bắt Hương để tạm giam và khám xét nhà đối với Hương. Thời điểm đó, Hương không có mặt tại nhà nên chưa thi hành lệnh trên được. Biết tin bị khởi tố, Hương đã gặp Tuyến để hỏi về việc “chạy án”.

Chiều 6/11/2020, Hương cùng 3 người bạn đến gặp Tuyến và bà M. Quá trình trao đổi, bà M vẫn hứa hẹn lo cho Hương không bị xử lý hình sự. Sau đó, bà M hỏi lại anh P nhưng anh này từ chối trả lời. Biết không lo được việc nên bà M đã liên hệ với Tuyến để trả lại tiền. Cầm tiền song Tuyến sử dụng chi tiêu cá nhân hết mà không trả lại Hương.

Đối với bà M, cơ quan công an xác định bà M không có ý thức chiếm đoạt tiền nên không xử lý. Đối với anh P, cơ quan điều tra xác định anh P không có ý thức chiếm đoạt tiền nên không đề cập xử lý. Tuy nhiên, ngày 19/7/2022, Cơ quan điều tra đã có văn bản gửi Lãnh đạo Công an TP Hà Nội, kiến nghị xử lý vi phạm của anh Lê Hồng P về việc không báo cáo việc bà M đưa tiền để giúp Phạm Thị Thanh Hương.

Đối với Phạm Thị Thanh Hương, được biết ngày 4/11/2021, TAND TP Hà Nội đã xử phạt Hương tù chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Đọc thêm