Nhắc đến rượu nếp dân dã, thanh khiết, người ta hay nhắc đến rượu nếp Làng Vân (Bắc Giang) ngày xưa, nhưng rượu nếp Phú Lộc đặc sản Hải Dương cũng không hề thua kém.
Phú Lộc xưa kia vốn là một xã thuộc tổng Văn Thai, nay là một thôn thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nơi đây từ lâu đã được biết đến như quê hương của nghề nấu rượu.
Theo truyền thuyết Ma Há và Minh Kha là hai thôn nằm bên đường cái quan Nam Sách đi Cẩm Giàng. Vào thời kỳ giặc phương Bắc xâm lược, chúng đóng quân tại địa phương, mượn cớ mất một con ngựa, giặc đã triệt hạ cả hai thôn này.
Những người sống sót phiêu bạt bốn phương, khi đất nước giải phóng, họ trở về làng hợp nhất hai thôn thành một làng lấy tên là Phú Lộc. Mong cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh, dân làng đã lấy nghề nấu rượu và nuôi lợn làm một nguồn sống bên cạnh nghề nông.
|
Thôn Phú Lộc của Cẩm Giàng, Hải Dương nổi tiếng về nghề nấu rượu nếp từ xa xưa. |
Đến thời Nguyễn cả làng Phú Lộc được phép nấu rượu và rượu Phú Lộc đã nổi tiếng từ thời Thiệu Trị, Tự Đức, có mặt hầu khắp thị trường trong và ngoài tỉnh.
Rượu nếp Phú Lộc nổi tiếng khắp vùng và được mọi người nhớ đến bởi có đặc trưng bởi màu rượu trong suốt, thanh khiết, hương thơm nồng, khi uống ngọt giọng, không sốc mạnh mặc dù nồng độ thường rất cao, khi rót ra thường có bọt bám vào thành chén, châm lửa bắt cháy ngay. Rượu này cũng thường được dùng để ngâm thảo mộc – thứ rượu ngâm thảo mộc phải là loại rượu có nồng độ cồn cao (để sát trùng và cũng là để bảo quản thuốc được lâu).
Theo tìm hiểu, rượu nếp Phú Lộc được nấu từ những nguyên liệu tự nhiên gạo nếp cái hoa vàng và men Bắc. Trong đó, nếp cái hoa vàng là một giống lúa nếp truyền thống được gieo cấy tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành. Còn men Bắc được làm từ gạo và 32 vị thuốc Bắc như lục đậu, thảo quả, quế hồi, đinh hương...
|
Rượu nếp Phú Lộc được làm từ những nguyên liệu tự nhiên gạo nếp cái hoa vàng và men Bắc. |
Những người làm nghề nơi đây cho biết, độ ngon của rượu phụ thuộc vào nguyên liệu và kinh nghiệm. Sau giai đoạn lên men giữa gạo nếp và men ủ sẽ là quá trình chưng cất phức tạp qua một hệ thống lọc và xử lý độc tố đa tầng. Nhờ hệ thống này mà rượu giữ được hương vị thơm ngon, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe, khi uống không bị đau đầu.
Tuy nhiên, để được những giọt rượu thơm ngon thì người nấu rượu phải mất khoảng 15 ngày và trải qua rất nhiều công đoạn như: nấu cơm, vật cơm ra phên, phối men, ủ cơm. Khi cơm ủ đủ ngày xuống nước mọng mới đến khâu chưng cất rượu… Khâu chưng cất rượu cũng phải qua 2 lần, lần 1 rượu ra vẫn còn đục và không êm.
Loại rượu này sẽ được chưng cất thêm một lần nữa để ra sản phẩm rượu cuối cùng thơm ngon, êm dịu và trong suốt. Một việc quan trọng cuối cùng là đo độ cồn của rượu để dừng chưng cất khi rượu vừa bắt đầu nhạt. Có 2 cách để đo nồng độ cồn của rượu là dùng cồn kế và cách truyền thống là rê rượu theo kinh nghiệm.
Hiện nay, thôn Phú Lộc có hơn 1.200 hộ trong đó gần 300 hộ làm nghề nấu rượu. Nghề này đã trở thành nét văn hóa, hồn cốt của quê hương. Trong làng chỉ có 3 hộ làm được loại men gia truyền của các cụ ngày xưa. Men không chỉ bán cho các hộ trong làng mà người dân ngoài tỉnh cũng tìm đến mua.
Tuy nhiên, cũng là men, loại gạo, quy trình nấu đó nhưng sang vùng đất khác, rượu uống không được êm như rượu nấu ở Phú Lộc. Nhiều người có kinh nghiệm cho rằng đó là do nguồn nước của mỗi địa phương khác nhau.
|
Rượu nếp Phú Lộc có hương vị mềm mại mà thanh khiết, khi uống ngọt giọng, không sốc mạnh mặc dù nồng độ thường rất cao. |
Làng Phú Lộc hôm nay đã đổi thay rất nhiều nhưng mỗi năm, làng nghề nấu rượu này vẫn sản xuất ra hàng trăm nghìn lít rượu. Thương hiệu rượu nếp Phú Lộc không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn được bạn bè nước ngoài đánh giá cao. Đặc biệt, sản phẩm rượu nếp Phú Lộc Sơn Tinh là sản phẩm duy nhất của Việt Nam đã được trang Tastings.com trao Huy chương Bạc với điểm số 86.
Nếu ai đã từng thưởng thức rượu nếp Phú Lộc, nhấm nháp một chút cay nồng tinh chất từ những hạt gạo trắng trong, chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị mềm mại mà thanh khiết. Tuy là nơi nấu rượu nhưng ở đây không bao giờ xảy ra tình trạng người dân say xỉn. Bởi đó là một quy ước của dân làng từ xa xưa được truyền lại đến ngày nay. Đây cũng là cách thưởng thức rượu tinh tế, uống vừa đủ mà người dân nơi đây mong muốn người thưởng thức có thể cảm nhận được cái hồn và vị ngon của rượu xưa.