Lán Nà Lừa – In đậm chân dung một “Con Người”
Xe bon bon trên con đường nhựa phẳng lì của quốc lộ 2C, dẫn chúng tôi đến Khu di tích lịch sử Tân Trào. Điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là lán Nà Lừa - nơi Bác Hồ ở và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Theo chân cô hướng dẫn viên của Khu di tích, chúng tôi đi qua một chiếc cầu nhỏ bắc qua một dòng suối, bên trái là một hồ nước trong xanh, soi bóng rừng phách hoa đỏ tươi. Phong cảnh non xanh, nước biếc hữu tình, thơ mộng, đẹp đến nao lòng. Chúng tôi chợt ngân nga câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu: “Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Leo nhiều bậc đá lên tới giữa đỉnh núi là một rừng trúc, lán Nà Lừa (tiếng Tày có nghĩa là ruộng cao) nhỏ bé chỉ chừng 10 mét vuông lợp bằng lá cọ hiện ra, tựa vào vách đá.
Đứng bên lán, chị hướng dẫn viên diện bộ quần áo màu chàm của người dân tộc Tày với đôi chút cách điệu cất giọng ấm áp giới thiệu với du khách: “Lán Nà Lừa là căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập gần 1km về hướng đông. Lán được dựng bằng tre, nửa lán, nửa đất của người miền núi. Lán chia làm 2 gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một ngăn vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi tiếp khách. Tại đây, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ở và làm việc để chuẩn bị khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước…”.
Cũng theo lời của chị hướng dẫn viên, hồi đó nơi đây rừng âm u, rậm rạp. Thức đêm nhiều, cùng với muỗi, vắt và những bữa ăn đạm bạc mà thức ăn chủ yếu là măng, rau rừng đã khiến Bác ốm mệt. Các đồng chí Trung ương lo lắng, các chiến sĩ cận vệ và cả Tân Trào lo lắng. Những cơn sốt triền miên khiến Bác lả, mệt, hốc hác. Thế nhưng, cứ gượng dậy được là Bác lại làm việc và bàn bạc việc cách mạng.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp từng kể rằng: “Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt… Thuốc men chẳng có gì, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh. Bác có uống nhưng không thấy đỡ, nói mê sảng. Nhưng cứ đỡ bệnh là Bác trao đổi công việc. Một lần Bác nói: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trong lúc nguy khó, bệnh tật như thế, có một ông lang người Tày đã xem mạch, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Hôm sau, ăn thêm một vài lần thang thuốc đó, Bác đã đỡ và dứt sốt…”.
Nhạc sĩ Cát Vận và cán bộ Sở Tư pháp trong đêm giao lưu âm nhạc chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam |
Rời lán Nà Lừa, đoàn chúng tôi tiếp tục đi đến cây đa Tân Trào, mái đình Hồng Thái. Thời gian đã làm cây đa Tân Trào hỏng đôi phần, nhưng ý chí cách mạng còn vẹn nguyên với lời tuyên thệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Đội Việt Nam cứu quốc quân.
Tiến về cánh tả của Khu di tích, đoàn chúng tôi tới đình Hồng Thái - nơi đã diễn ra Quốc dân Ðại hội vào ngày 17 -18 tháng 8 năm 1945, tiền thân của Quốc hội nước ta hiện nay. Tại nơi đây, chúng tôi lại nghe thêm một câu chuyện về Bác: Ngày 17, Bác đã từ lán Nà Lừa đi bộ sang để chủ trì Quốc dân Ðại hội. Trước cửa đình có hòn đá gọi là “hòn đá Thề”. Tại đây, trước khi diễn ra Quốc dân Ðại hội với cái tên xuất hiện lần đầu tiên “Hồ Chí Minh”, Người đã đọc “Lời thề quyết tâm giành độc lập” trước Quốc dân Ðại hội, đại diện cho ý chí của nhân dân cả nước. Quốc dân Ðại hội đã biểu quyết nhất trí quyết tâm Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ Cách mạng lâm thời gồm 15 người do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, mở đầu cho việc thành lập một nước Việt Nam mới.
Tư pháp khơi nguồn cảm hứng
Những bậc thang cao lên ngàn đã đưa đoàn chúng tôi đến với trụ sở của Bộ Tư pháp từ năm 1949 -1950 tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Dừng chân trước văn bia lịch sử, những dòng chữ khắc cốt, ghi tâm của cán bộ ngành Tư pháp nhớ về những tháng năm lịch sử: “Trong sự đùm bọc, che chở đầy tình nghĩa của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, những cán bộ tư pháp đầu tiên đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo công tác tư pháp trong toàn quốc giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách pháp luật, duy trì công tác công tố, xử án góp phần vào việc giữ vững chính quyền nhân dân kháng chiến, kiến quốc thắng lợi”. Đây cũng chính là nơi diễn ra các Hội nghị Tư pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo và gắn với câu nói nổi tiếng của Người: “Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”.
Trong trí nhớ của ông Hà Ngộc Hội, năm nay đã 79 tuổi, vẫn còn in rõ những ngày Bộ Tư pháp về xã Minh Thanh: “Hồi Bộ Tư pháp về đóng trụ sở tại đây, tôi mới 14 tuổi, nhưng cũng như bao người dân xã Minh Thanh ngày đó luôn hiểu biết về thời thế, hiểu về cách mạng. Vì thế, khi Bộ Tư pháp về đây, bà con đón tiếp rất nhiệt tình. Mọi thứ để xây dựng nên cơ sở vật chất đầu tiên đều do nhân dân xã Minh Thanh quyên góp. Trụ sở của Bộ cũng do chính người dân chúng tôi xây dựng nên. Mọi thứ cơ sở, vật chất của Bộ ngày đó rất đơn sơ, hội trường dùng để họp là căn nhà lợp mái kè có 5 gian. Nhà của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe thì nằm ở mạn trái hội trường, gồm có ba gian. Vất vả là thế nhưng hồi đó cán bộ tư pháp và người dân sâu sắc, chân chất lắm! Như công việc bảo vệ, xây dựng, cơm nước cho Bộ đều do dân chúng tôi lo hết. Còn mỗi buổi tối, các cán bộ tư pháp lại đến dạy lớp bình dân học vụ cho chúng tôi, nhờ thế mà dân làng chúng tôi ngày đó xóa được nạn mù chữ”.
Các nhạc sĩ của đoàn Bộ Tư pháp đang hát những bản nhạc do mình vừa sáng tác về ngành Tư pháp tại Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang |
Sau khi trao quà lưu niệm cho cán bộ và nhân dân xã Minh Thanh, đoàn chúng tôi rời khỏi Khu di tích của Bộ Tư pháp. Bước xuống bậc thềm cuối cùng, trời cũng vừa nhá nhem tối. Tiết trời mùa thu miền sơn cước hơi se lạnh, nhưng mọi thứ trở nên ấm áp, sôi động hơn khi âm nhạc vang lên giữa màn đêm. Những tiết mục giao lưu giữa cán bộ tư pháp, nhân dân xã Minh Thanh cùng các nhạc sĩ làm khuấy động cả màn đêm tĩnh mịch. Bà con lối xóm đứng quanh các nghệ sĩ cùng múa hát.
Trong đêm hội, nhạc sĩ Doãn Nho không giấu nổi niềm vui khi được trở lại Tuyên Quang. Ông liên tục chia sẻ cảm xúc và hát tặng người dân những ca khúc tâm đắc trong sự nghiệp sáng tác của mình như: Chiếc khăn Piêu, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng… “Tôi đã đi nhiều vùng đất, từ Móng Cái cho đến Cà Mau, hay Tây Nguyên bao la, mỗi vùng đất đều khơi nguồn cảm xúc cho các sáng tác của tôi. Nhưng hơn hết vẫn là vùng đất Tây Bắc mà đặc biệt là Tuyên Quang, nơi đã cho tôi một nguồn cảm hứng bất tận. Tôi còn nhớ mãi chuyến công tác về Tuyên Quang và gặp người Khơ Mú, những vẻ đẹp văn hóa, sắc áo, hương rừng đã cho tôi cảm hứng sáng tác nên bài hát “Chiếc khăn Piêu” – một tuyệt phẩm mà tôi rất tâm đắc” - nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.
Nối vòng tay lớn bên lửa trại trong đêm giao lưu âm nhạc chào mừng kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam |
Khi ngọn lửa trại tàn cũng là lúc đoàn chúng tôi chia xa với vùng đất cội nguồn của Tư pháp năm xưa. Bịn rịn bước lên xe trở về Hà Nội, các nhạc sĩ Cát Vận, Đức Minh, Doãn Nho, Vũ Trọng Tường, Vũ Thiết, Nguyễn Thiên Sơn, Xuân Sinh…mang theo niềm thương nhớ, nỗi thao thức hiện hữu trên từng khuôn mặt. Để rồi trên đường trở về Thủ đô, các nhạc sĩ gấp gáp ghi lại những cảm xúc bằng những nốt nhạc, những lời ca. Tin rằng, những cảm xúc bất tận ấy sẽ được thai nghén thành những ca khúc về ngành Tư pháp, về tình dân, về quê hương cách mạng.