Dấu ấn Ngày Pháp luật đầu tiên

(PLO) - Ước muốn giản dị không chỉ của những người làm công tác tư pháp “mỗi năm có một ngày nhắc nhau học tập pháp luật”đã trở thành hiện thực khi năm 2013, Ngày Pháp luật đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc - một sự kiện được coi có tính chất  “bước ngoặt” đã để lại nhiều dấu ấn khi một năm cũ qua đi…
Dấu ấn Ngày Pháp luật đầu tiên
Từ “đốm lửa nhỏ”… 
Trong  cái  bận  rộn  ngày  cuối  năm, chị Trương Thị Nga - nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tây (cũ) vẫn dành cho tôi cuộc gặp để nói về một câu chuyện mà theo cách nói của chị, dù “xưa nhưng không bao giờ cũ”. Bởi câu chuyện đó gắn với chị như một kỷ niệm rất đẹp khi còn đang công tác cũng như khi đã lui về “hậu trường”. 
Đó là cái thời mà công tác tuyên truyền pháp luật còn rất nhiều khó khăn, không chỉ ở Hà Tây. Khó khăn về cả kinh phí, con người và đặc biệt là nhận thức về pháp luật. Là địa bàn “cửa ngõ” Thủ đô nhưng bà con ở các vùng xa như Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai… nhiều nơi vẫn “mơ hồ” về pháp luật. Có những vụ án thực sự làm đau lòng và người ta ước “giá như” những con người đứng trước vành móng ngựa kia hiểu biết chút ít về pháp luật… Không nói người dân, ở các cơ quan, đoàn thể, việc học tập pháp luật phục vụ cho chính công việc chuyên môn của mình, nhiều nơi cũng xao nhãng.
Trăn trở từ thực tế đó, những người làm công tác tư pháp của Hà Tây cũ luôn đặt câu hỏi “làm thế nào để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống”. Lâu nay, việc đổi mới các hình thức tuyên truyền pháp luật dù đã làm thường xuyên song vẫn bị coi là xơ cứng, thiếu hấp dẫn, không đủ sức thu hút người nghe, kể cả đối tượng là người thực thi pháp luật (công chức nhà nước). Tính đi, tính lại, mạnh dạn với một phương thức tuyên  truyền  mới  mà  ngay  cả  những “người trong cuộc” như chị  Nga lúc bấy giờ cũng chưa dám chắc vào sự thành công. 
Thế là Ngày Pháp luật ra đời, ban đầu chỉ ở một số cơ quan, công sở. Với cách làm là mỗi tháng các đơn vị dành một ngày tập trung cán bộ của mình lại để nghe phổ biến về nội dung một văn bản pháp luật mới. Cách làm này ban đầu nhiều người không khỏi tò mò và hoài nghi.
“Ban đầu, việc thực hiện Ngày Pháp luật chỉ nhắm đến đối tượng là cán bộ công chức với mục tiêu cán bộ công chức phải là tấm gương sáng về chấp hành pháp luật cho người dân noi theo, nhưng sau thời gian thử nghiệm, Ngày Pháp luật cho thấy là kênh tuyên truyền rất hiệu quả nên mô hình này đã “lan” ra đến cả cấp xã phường, tổ dân phố, cụm dân cư..” - chị Nga bồi hồi nhớ lại. 
Năm 2008, Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, nhận thấy mô hình nói trên cần tiếp tục nhân rộng nên ngành Tư pháp Hà Nội mới đã tiếp tục có sự đầu tư về mọi mặt để Ngày Pháp luật trở thành một thói quen trong đời sống người dân Thủ đô. Đúng như lời người “kế nhiệm” chị Nga, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương khẳng định  “sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng và đa dạng hóa thực hiện Ngày Pháp luật, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên không chỉ của riêng ngành Tư pháp”. 
Cũng trong thời gian Hà Nội triển khai Ngày Pháp luật, một số tỉnh phía Nam như Tiền Giang, An Giang … cũng bắt tay vào triển khai mô hình này như một sự thử nghiệm mới. Không cứng nhắc mỗi tháng hay mỗi quý phải “gặp nhau” một lần để học tập pháp luật mà có thể mỗi tuần hay mỗi tháng một vài giờ. Việc tổ chức học tập pháp luật có thể tiến hành độc lập hoặc lồng ghép với sinh hoạt chuyên môn. Từ các cơ quan nhà nước, việc học tập pháp luật  được  triển  khai  đến  cả  các  doanh nghiệp, trường học và đặc biệt là địa bàn các khu dân cư. 
Ở Tiền Giang, hiệu quả của Ngày Pháp luật có thể nhìn thấy rõ nét nhất là ở việc lồng ghép vào sinh hoạt của các tổ chức tự quản, các Câu lạc bộ tình thương – trách nhiệm, ở các tổ an ninh công nhân… Người ta thấy Ngày Pháp luật ở trong mọi hoạt động của cơ sở, từ tiếp xúc cử tri đến họp tổ dân phố, sinh hoạt của các Câu lạc bộ, ở các phiên tòa lưu động…Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Chính đã tự hào khi nói về những ngày đầu tiên đó cho đến hôm nay: “Ngày Pháp luật đã dần trở thành thói quen trong đời sống cán bộ và nhân dân Tiền Giang”.
Thành “ngọn lửa lớn”
Từ sáng kiến – được ví như những “đốm lửa” từ cơ sở, nhận thấy Ngày Pháp luật là mô hình ưu việt, năm 2010 Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Tí nh đế n ngày 31/8/2011, đã có 62/63 tỉ nh, thành phố  trực thuộc Trung ương và 06 Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện mô hình này và qua đánh giá bước đầu cho thấy việc thực hiện Ngày Pháp luật ở các địa phương, cơ quan đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Mong ước về một ngày “nhắc nhau học tập pháp luật” đã trở thành hiện thực khi tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII với đại đa số Đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đó, Luật này chính thức quy định ngày 09/11 hàng năm (là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) vẫn không giấu được sự xúc động khi nói về những giây phút mà Ngày Pháp luật chính thức được luật hóa. Hơn ai hết, là Đại biểu Quốc hội, cũng là Phó Giám đốc Sở  Tư  pháp  phụ  trách  công  tác  tuyên truyền, ông hiểu rất rõ về sự ghi nhận này: “Ở cơ sở, công tác phổ biến pháp luật còn rất  nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là đổi mới hình thức tuyên truyền, làm sao cho phong phú, hấp dẫn, để cán bộ và người dân đến học tập pháp luật mà không phải là khiên cưỡng, gò ép.
Trong điều kiện đó thì việc quy định Ngày Pháp luật để nhân dân học tập pháp luật là điều rất cần thiết. Đây cũng là một hình thức mới để trên cơ sở đó, địa phương tổ chức tuyên truyền theo hướng linh hoạt và hiệu quả”.
Có  hiệu  lực  từ  1/1/2013  và  đến  ngày 9/11/2013  Ngày Pháp luật đầu tiên đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Vào ngày này, ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ những thành phố lớn đến những nơi vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, Ngày Pháp luật đã được tổ chức với nhiều quy mô, hình thức khác nhau. Nơi thì mít tinh, nơi là băng rôn, biểu ngữ, các hoạt động truyền thông... Không dừng ở các hoạt động mang tính phong trào, nhiều địa phương còn coi ngày này là cơ hội để tôn  vinh  những  tấm  gương  trong  xây dựng, thực thi và chấp hành pháp luật. 
Ngày Pháp luật từ đốm lửa nhỏ đã bùng lên thành ngọn lửa lớn. Ngày Pháp luật đầu tiên, cả nước đã tưng bừng như trong ngày hội - ngày hội không chỉ để tri ân, nhắc nhở mà còn là cơ hội học tập pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Một năm cũ khép lại, sự kiện về Ngày Pháp luật với những thành công bước đầu chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn khó phai không chỉ với những người làm công tác tư pháp mà còn là tiền đề cho những Ngày Pháp luật tiếp theo. 
Như lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Lễ Công bố Ngày Pháp luật thì: “Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt, vừa là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, vừa là mở đầu cho một giai đoạn mới, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, là tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực”.

Đọc thêm