Vẻ đẹp bí ẩn của vùng đất “ngủ trong sương” ven Đà Lạt

(PLVN) -  “Vùng đất ngủ trong sương” hay “nàng thơ say ngủ” là biệt danh mà dân du lịch đặt cho D’ran, một thị trấn cổ nằm ven Đà Lạt. Mang vẻ đẹp bí ẩn với nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp, nhưng vùng đất này dường như vẫn đang “ngủ quên”.

Chuyện xưa về thị trấn cổ lưng chừng đèo

Nằm cách thành phố Đà Lạt hơn 35km, D’ran, mặc dù khá nổi tiếng trong giới du lịch bụi, vẫn là cái tên chưa quen đối với đa phần du khách cả nước. Thị trấn D’ran thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nằm lưng chừng giữa hai con đèo Ngoạn Mục dẫn xuống Phan Rang - Ninh Thuận và đèo D’ran dẫn lên Đà Lạt.

D’ran có lịch sử khá lâu đời so với các vùng đất khác ở khu vực Tây nguyên. Từ trước thế kỉ XX, D’ran đã có mặt với cái tên làng Càn Rang. Hiện, đình làng Càn Rang còn lưu giữ một bản sắc phong được ban nhân dịp lễ đăng quang Vua Duy Tân (1907). Hai người Pháp đầu tiên đặt chân đến D’ran là bác sĩ Paul Néis và Trung úy Albert Septans khởi hành từ Bà Rịa, trên đường thám hiểm thượng lưu sông Đồng Nai đã đặt chân đến D’ran, lúc ấy chưa có một người Việt nào sinh sống. Tiếp sau đó, bác sĩ danh tiếng Alexandre Yersin cũng đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân trên con đường khám phá cao nguyên, tìm ra một trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp.

Năm 1893, trên đường từ Langbiang trở về Nha Trang, bác sĩ Yersin từng dừng chân tại D’ran bên hữu ngạn sông Đa Nhim. Để rồi 6 năm sau, ông từng trở lại đây với toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer trên hành trình cưỡi ngựa từ Phan Rang lên Đà Lạt. Đến con đèo Ngoạn Mục, cả hai phải bỏ ngựa, đi bộ qua những con đường núi gập ghềnh. D’ran khi ấy đập vào mắt họ là một vùng đất cực kì thơ mộng và vẫn chưa có người Kinh, chỉ có một buôn người Thượng ngụ cư.

Rừng thông D’ran nên thơ như cổ tích.

Sau chuyến đi trở về, bác sĩ Yersin đã viết báo cáo đề xuất một số địa điểm mà ông cảm thấy lý tưởng để thành lập một khu vực nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, trong các đề xuất ấy có cái tên D’ran. Sau bao cân nhắc, Đà Lạt đã trở thành nơi được lựa chọn và D’ran, từ bấy đến nay có rất nhiều đổi thay, người Kinh đã trở thành cư dân chủ yếu sống nơi đây.

D’ran đến nay vẫn còn giữ được khá nhiều di tích lịch sử, mang theo trong đó biết bao câu chuyện cổ xưa như đình làng Càn Rang còn lưu giữ một bản sắc phong được ban nhân dịp lễ đăng quang Vua Duy Tân (1907), nhà ga đường sắt răng cưa tuyến từ D’ran đến Phan Rang – Tháp Chàm đánh dấu một thời những con tàu hơi nước leo qua đèo, nối núi cao với biển khơi, Giáo xứ Lạc Lâm, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ở một thời gian, từng viết cho Dao Ánh những lá thư tình say đắm... Ở trung tâm thị trấn, vẫn còn những dấu vết của kiến trúc cổ xưa với những ngôi nhà phường buôn nằm san sát nhau, gợi lên kí ức về một thời phồn thịnh.

Lễ cúng tại đình Càn Rang, nơi còn lưu giữ bản sắc phong được ban nhân dịp lễ đăng quang Vua Duy Tân.

Từ đầu thế kỉ XX sau khi người Pháp lập nên quận lỵ Dran, người Kinh các nơi đã đổ về đây sinh sống, mà chủ yếu là ngư dân khu vực duyên hải miền Trung như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Người dân miền Trung từ bấy đến nay gắn bó với mảnh đất này, khiến D’ran mang một bản sắc văn hóa hòa quyện giữa bản địa với nếp sống duyên hải miền Trung rất lạ, rất khác biệt mà hiếm vùng đất nào có được. Những kiến trúc nhà gỗ Thượng vẫn còn tồn tại bên cạnh những mái nhà thấp của người dân miền biển, đan xen với những ngôi biệt thự cổ có từ thời Pháp thuộc. Những ngư dân chất phác quen với biển cả nay nương tựa vào đồi núi để sinh sống, tạo nên những nét đẹp trong văn hóa bản địa với các nếp sống, nếp nhà, các lễ cúng, tập tục địa phương riêng.

Ẩm thực nơi đây cũng được đánh giá cao bởi sự pha trộn giữa ẩm thực bản địa cổ xưa với khẩu vị của người dân miền Trung. Ở chợ Lạc Nghiệp, ngôi chợ cổ trung tâm của thị trấn, người ta có thể tìm thấy “1001” món ăn ngon lành, từ bánh hỏi của Bình Định cho đến mì Quảng, từ nem nướng Khánh Hòa cho đến bánh căn Phan Rang, bên các quầy rau củ tươi xanh bản địa là những hàng hải sản tươi rói được chở lên trong ngày từ Cam Ranh, Phan Rang...

Người ta nói, thị trấn cổ D’ran mỗi mùa mỗi đẹp. Mùa xuân là mùa của những vườn rau bát ngát tươi non. Mùa hè cây cỏ tươi mát, dòng Đa Nhim uốn lượn đầy chất thơ, hồ Đa Nhim xanh biếc như ngọc. Chạm ngõ mùa thu là mùa lá đỏ ven dòng Đa Nhim. Rồi đến mùa hoa dã quỳ phủ sắc vàng rực rỡ núi đồi. Sau mùa dã quỳ lại đến mùa hồng chín, đỏ rực những thôn làng, những mái nhà, làm du khách như say. Và rồi mùa quýt chín đến, những vườn quýt làm cả thị trấn ngập chìm trong sắc màu cam lộng lẫy, ấm áp. Cuối đông, thị trấn lại mang một vẻ đẹp lảng bảng khi những mái nhà khuất sau tầng sương mù...

Nằm trên độ cao hơn 1.000 mét so với mặt biển, D’ran ít lạnh hơn Đà Lạt và giữ cho mình một khí hậu mát dịu, dễ chịu quanh năm. Những người du lịch chuyên nghiệp, cư dân phượt các nơi, đi theo dấu chân bác sĩ Yersin, dừng lại chốn này đều ngỡ ngàng, tương tư với vẻ đẹp dịu dàng mà sâu lắng như lạc vào cổ tích nơi thị trấn lưng chừng đèo.

“Đánh thức” nàng thơ say ngủ

Sau những câu chuyện xưa, những vết tích cổ, “vùng đất ngủ trong sương” này còn khá nhiều điều thú vị, đáng để nhắc đến. Khách phương xa đến D’ran, từ TP HCM lên qua Phi Nôm, hoặc từ phía Đà Lạt vượt đèo D’ran, từ Phan Rang vượt đèo Ngoạn Mục, cốt yếu để được sống trong không khí dễ chịu, cảm giác bình yên và ngắm nhìn những thắng cảnh tuyệt đẹp chốn này. Dòng sông Đa Nhim gắn với hồ Đa Nhim và thủy điện Đa Nhim tuyệt đẹp, rừng lá đỏ Đa Mân lộng lẫy vào mùa thu, rừng thông Châu Sơn u trầm, những con thác lớn nhỏ rải rác khắp nơi, những ngôi chùa cổ kính xinh đẹp...

Đến D’ran, khách có thể “lạc lối” trên những con đường mòn nhỏ, ngơ ngẩn với các thôn làng rất tươm tất, sạch sẽ, bên hông nhà là vườn rau, trước nhà giàn hoa thơ mộng. Lân la vào nhà dân, có thể dễ dàng bắt gặp những trang trại rau, những vườn cây trái sum suê. Dân ưa khám phá cũng có thể cắm trại trong rừng thông, chinh phục thác, leo đồi, chèo sup tắm sông...

Xinh đẹp và đầy tiềm năng, nhưng cho đến nay, nơi đây vẫn còn là “vùng đất bị lãng quên” bởi những điều đẹp đẽ dường như vẫn đang bị ẩn giấu trong những làn sương lảng bảng của núi đồi. Cư dân nơi đây vẫn lấy nông nghiệp là chủ chốt với tỉ trọng ngành nông – lâm nghiệp chiếm 45%.

Mùa dã quỳ vàng lộng lẫy thị trấn cổ.

Những năm qua, D’ran đã là nơi dừng chân của một số người trẻ yêu chuộng đời sống thiên nhiên, muốn lập nghiệp theo hướng sáng tạo trên vùng đất này. Có những chuyên gia về cà phê tạo nên giống cà phê ngon lạ, xuất khẩu khắp nơi, có những nông trại kết hợp du lịch sinh thái đã được mở ra, cũng có cả những người trẻ lập nên các tour trekking thu hút dân du lịch trải nghiệm... nhưng đó cũng chỉ là những bước đi đầu tiên, chưa đủ sức làm bật lên một vùng đất.

Ông Đinh Văn Hoàng, Chủ tịch thị trấn D’ran, người có nhiều tâm huyết với việc phát triển du lịch cho D’ran chia sẻ, hiện nay, lãnh đạo huyện và cả thị trấn đều ý thức được tiềm năng đáng quý của nơi đây và đang có những nỗ lực nhằm thu hút du lịch. Xác định thế mạnh về nông nghiệp, thị trấn đã vận động người dân sản xuất, trồng trọt theo công nghệ cao để tăng sản lượng, đồng thời định hướng lâu dài kết nối giữa vùng nông sản với du lịch thành hình thức du lịch sinh thái, tổ chức các tour trải nghiệm đời sống nông thôn... Cạnh đó, thị trấn cũng tuân thủ tiêu chí “khu dân cư kiểu mẫu” để xây dựng, duy trì những thôn làng xinh đẹp, sạch sẽ, tươm tất với nếp sống văn minh và bình yên, đó cũng là lý do khiến khách phương xa đến rất có cảm tình với đời sống nơi đây.

Ông Đinh Văn Hoàng bày tỏ: “Cả lãnh đạo và người dân thị trấn đang chung tay, nỗ lực vun đắp nền tảng, thay đổi tư duy, thu hút đầu tư... nhằm “đánh thức” tiềm năng của thị trấn nhỏ bé mà xinh đẹp này. Nhưng quan trọng, mục tiêu của chúng tôi luôn là “phát triển bền vững”. Dẫu cho phát triển như thế nào, đời sống kinh tế có tốt đến đâu thì vẫn cần gìn giữ được giá trị cốt lõi, đó là vẻ đẹp hoang sơ, nguyên vẹn của thiên nhiên, là nếp sống yên vui bình dị của người dân, những bản sắc lâu đời của vùng đất, những di tích lịch sử mang câu chuyện cha ông để lại...”.