Vẻ đẹp của Sầm Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thành phố Sầm Sơn (Thanh Hoá) là điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước, bởi nơi đây là khu nghĩ dưỡng có tiếng xưa nay, là nơi “sơn kỳ, thủy tú”. 
Vẻ đẹp của Sầm Sơn

Sầm Sơn giờ đây đã có nhiều công trình nhà ở, khách sạn đẹp, đường lớn… Sầm Sơn năm nào cũng thế, vào dịp hè, du khách lại đến rất đông. Bãi biển Sầm Sơn đẹp, có núi non chạy dài, được coi như là nơi “sơn kỳ, thuỷ tú”.

Sầm Sơn cách trung tâm thành phố Thanh Hoá hơn 10km, được mệnh danh là “chốn nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”. Sầm Sơn cũng được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Bắc Trung Bộ.

Bãi biển Sầm Sơn có cát đẹp, nước có độ mặn vừa phải. Bãi biển có hình cong, dài 9km từ chân núi Trường Lệ. Từ Sầm Sơn đi đến các tỉnh thành khác cũng thuận tiện, đường sá đi lại dễ dàng. Những năm nay gần đây, Sầm Sơn được đầu tư nhiều, nên bộ mặt đã đổi khác. Sầm Sơn giờ trông đa sắc màu hơn, nhất là buổi đêm, lung linh hơn.

Đến Sầm Sơn, ta còn thấy đó nét hoang sơ đen xen hiện đại. Chúng ta bắt gặp những ngư dân đan lưới, đẩy thuyền, những con thuyền nhỏ lênh đênh trên sóng. Nhất là buổi sáng sớm, hay buổi chiều, chúng ta thường bắt gặp những ngư dân đi đánh bắt ngoài biển về. Thuyền được ngư dân kéo nằm trên cát sau thời gian rong ruổi trên sóng nước. Những người vợ lại ra phụ giúp chồng đưa đồ biển đi bán. Và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến ra biển sắp tới.

So với nhiều điểm du lịch khác, Sầm Sơn có diện tích không lớn, nhưng lại được nhiều người biết đến, và thường đến nghỉ ngơi vào dịp mùa hè. Sầm Sơn cũng có những di tích lịch sử, tâm linh có tiếng. Không những thế, Sầm Sơn còn đặc biệt hơn, khi thành phố biển được Bác Hồ đến thăm vào tháng 7/1960.

Sự kiện Bác Hồ về thăm biển Sầm Sơn, được Hương Thảo viết trong bài “Ký ức về Bác Hồ trên thành phố biển Sầm Sơn”: “Tại đây, Bác chọn chùa Cô Tiên, nằm trên dãy núi Trường Lệ làm nơi ở và làm việc. Trong 3 ngày lưu lại Sầm Sơn (từ ngày 17 đến 19/7/1960), Bác đi tham quan núi Trường Lệ; thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ miền Nam và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển của Tổ quốc.

Đặc biệt, Bác đã trực tiếp tham gia kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn)... Cả buổi sáng kéo lưới với bà con ngư dân nơi đây đã giúp Bác được nghe bao điều sự thật từ dân. Ngay chiều hôm đó (17/7/1960), anh Vũ Kỳ theo ý Bác đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh xuống Sầm Sơn gặp Bác...

Bác rời Sầm Sơn, người dân chài lưới nơi đây mới biết ông già kéo lưới với dân là Bác Hồ. Ông cụ xóm chài cửa biển Sầm Sơn ngây ngất bồi hồi nâng cái ly rượu mà Hồ Chủ tịch đã uống, đặt lên bàn thờ gia tiên giữ làm kỷ vật thiêng liêng của gia đình. Những mẩu ký ức được ghi chép, hồi tưởng, nghe kể lại trong các bài viết của nhà văn Sơn Tùng - người dành trọn cả cuộc đời để viết về Bác đã phần nào khắc họa được nhân cách cao đẹp của Người”.

Không những thế, Bác Hồ còn nhận xét về du lịch Sầm Sơn trong tương lai: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”.

Với những giá trị lịch sử và được thiên nhiên ban tặng, cũng như sự đầu tư bài bản, Sầm Sơn đang cho thấy hướng đi đúng đắn của mình trong việc phát triển ngành du lịch, ngành được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói”.

Đọc thêm