Vé điện tử tại điểm tham quan, tại sao không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt hệ thống vé điện tử cho khách tham quan tại khu di tích. Vé điện tử được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thuận tiện, nhanh chóng cho cả khách tham quan, nhân viên và ban quản lý. Liệu giải pháp này có thể nhân rộng khắp các điểm tham quan trên cả nước?
Hệ thống kiểm soát vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: TITC).
Hệ thống kiểm soát vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: TITC).

Khắc phục thực trạng vé giấy

Hiện nay, vé giấy vẫn là hình thức kiểm soát lượng khách phổ biến tại các di tích, điểm tham quan. Một số nhược điểm của vé giấy là tốn kém chi phí in ấn, tăng lượng rác thải ra môi trường, cần nhiều nhân lực bán vé và soát vé, người tham quan phải xếp hàng tại điểm đến để mua chứ không thể đặt trước hay mua trực tuyến, không thuận tiện cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về khách hàng… Do đó, vé điện tử được kỳ vọng sẽ khắc phục những nhược điểm của hệ thống vé giấy truyền thống, giúp tạo ra hướng đi mới cho các điểm tham quan, khu di tích, giúp thay đổi mô hình quản lý vận hành hiện tại theo hướng minh bạch, khoa học, văn minh và thân thiện với môi trường, phục vụ chuyển đổi số trong du lịch.

Tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến di tích đầu tiên cho ra mắt hệ thống vé điện tử cho du khách ngay trong dịp SEA Games 31 vừa qua. Trả lời báo chí, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay: “Khu di tích thời gian qua đã có nhiều nỗ lực đổi mới sáng tạo, quyết tâm đổi mới công tác quản lý vé tham quan thông qua chuyển đổi số. Thay thế phương thức vé truyền thống, với sản phẩm vé điện tử sẽ đem lại sự thuận tiện hơn rất nhiều cho các đoàn khách du lịch đến tham quan”.

Từ nay, du khách đến tham quan có thể mua vé online, đặt trước và chỉ cần quét mã QR để đi qua cổng soát vé. Đặc biệt với đoàn khách du lịch, cả đoàn chỉ cần mua 1 vé, quét mã QR cho cả đoàn đi vào thay vì mua mỗi người một vé như trước đây. Bên cạnh đó, hệ thống vé điện tử cũng cho phép du khách tra cứu lịch sử mua vé, lịch sử tham quan, tra cứu hoá đơn và lưu trữ vé dưới nhiều hình thức linh hoạt, tránh trường hợp mất vé.

Đáng chú ý, ngoài việc sử dụng vé giấy có in mã QR để qua cổng, du khách cũng có thể sử dụng Thẻ du lịch thông minh, được phát hành dưới dạng thẻ cứng hoặc tích hợp trên “Ứng dụng Du lịch Việt Nam” của Tổng cục Du lịch. Thẻ du lịch thông minh là một sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tích hợp nhiều tính năng như Napas, Internet banking, thanh toán điện tử, tra cứu thông tin du lịch hay nhận ưu đãi, tích điểm khi mua sắm… Còn “Ứng dụng Du lịch Việt Nam” hỗ trợ tìm kiếm các thông tin du lịch an toàn, điểm đến, dịch vụ du lịch, phản ánh với cơ quan chức năng về chất lượng dịch vụ…

Như vậy, hệ thống vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bổ sung nhiều tính năng mới mẻ, nhằm tạo sự thuận tiện cho du khách, đáp ứng xu hướng du lịch “không chạm”, du lịch thông minh hiện nay. Còn đối với ban quản lý khu di tích, hệ thống này là công cụ hỗ trợ nâng cao công tác quản lý vé tham quan theo hướng khoa học, minh bạch, qua đó có thể theo dõi, quản lý hoạt động vận hành khu di tích một cách rõ ràng, hiệu quả. Được biết, trong thời gian tới, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hướng tới triển khai bán vé online và hệ thống bán vé tự động.

Thách thức khi nhân rộng vé điện tử

Vé điện tử là một sáng kiến đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và hoàn toàn khả thi ở Việt Nam. Bên cạnh đó, giải pháp này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu được đặt ra đối với ngành du lịch trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ thông qua Quyết định số 411/QĐ-TTg.

Cụ thể, lĩnh vực du lịch được định hướng phát triển theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước và trong chuyến đi. Một số nhiệm vụ trọng tâm có thể kể đến như: mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát triển các nền tảng số kết nối cung và cầu về du lịch; triển khai nền tảng dữ liệu số du lịch, trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò nòng cốt và khách du lịch tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở…

Tuy nhiên, để nhân rộng giải pháp này trên toàn quốc còn có nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất chính là việc phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu. Đơn cử là trường hợp Ban Quản lý vịnh Hạ Long triển khai việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử từ ngày 01/04/2022. Đã có những ý kiến phàn nàn rằng, từ khi áp dụng bán vé điện tử thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc, khiến du khách phải chờ lâu do sự thiếu đồng bộ hệ thống. Chưa kể, nếu mạng Internet chập chờn hoặc mất tín hiệu thì nhân viên sẽ phải thao tác rất lâu mới có thể xuất vé cho khách.

Số hóa vé tham quan là một phần của du lịch thông minh, tuy nhiên có thể thấy giải pháp này mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một vài điểm đến du lịch trên cả nước. Trong đó bao gồm TP Hội An đã phê duyệt Đề án “Cải tiến phương thức bán vé tham quan khu đô thị cổ Hội An bằng hình thức vé số hóa” từ năm 2019. Ngoài ra, việc áp dụng du lịch thông minh vẫn chỉ tập trung vào các dịch vụ đặt tour, đặt xe, đặt phòng khách sạn online... Các điểm đến, khu di tích, danh lam thắng cảnh khác đều hầu như chưa có hình thức vé điện tử, vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống bán vé giấy truyền thống.