Về Hà Nam ngắm bảo vật quốc gia và sác di sản độc đáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với những tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và một bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, du lịch Hà Nam đang khẳng định vị trí của mình trên “bản đồ du lịch” Việt.
Lễ hội múa lân sư rồng tại Khu du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh Đại Nghĩa)
Lễ hội múa lân sư rồng tại Khu du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh Đại Nghĩa)

Bảo vật, di sản niên đại nghìn năm

Theo thống kê, hiện Hà Nam có gần 2.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Với chuỗi di tích có giá trị khá nổi bật, như: Đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc... và hệ thống lễ hội tiêu biểu, như: Lễ hội Tịch điền, Lễ phát lương đền Trần Thương, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi... cùng nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu, như: Dệt lụa Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên), cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân), trống Đọi Tam (Tiên Sơn, Duy Tiên), sừng Đô Hai (An Lão, Bình Lục)…

Thêm nữa, Hà Nam còn là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Liệt sỹ Nam Cao, Khu du lịch Tam Chúc…

Tại Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 tỉnh Hà Nam đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 bảo vật quốc gia: Bảo vật quốc gia Bia đá chùa Giàu, Trống đồng Tiên Nội 1 và 4.

Bia chùa Giàu. (Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Bia chùa Giàu. (Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Bia đá chùa Giàu niên đại năm Bính Ngọ (1366), lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá (Phủ Lý - Hà Nam). Chùa có tên chữ là Khánh Long tự nhưng nhân dân quen gọi là chùa Giàu với ước vọng mong cho quê hương mình được giàu có. Điều đặc biệt, ở chùa Giàu chính là tấm bia đá thời Trần, một trong số nhiều cổ vật tiêu biểu của Hà Nam. Theo bản dịch nghĩa toàn văn tấm bia đá chùa Giàu từ chữ Hán, tên văn bia là “Ngô gia thị bi”, nghĩa là “Văn bia họ Ngô”. Nội dung văn bia ghi việc một nhà sư hiệu Viên tịch đại sa môn đã xin Phật tam thế cho phép mình từ am Đại Long chuyển về tiểu am ở thôn Mai (xã Đinh Xá, lộ Lợi Nhân) và nhà sư đã mất ở đó vào năm Hưng Long thứ 13 (1305) đời Vua Trần Nhân Tông. Nhà sư họ Ngô, hiệu “Ngộ Không cư sĩ” - người đã cúng tiền ruộng để xây am - quyết định an táng nhà sư Viên tịch đại sa môn và dựng nhà tại đây. Năm Đại Trị thứ 8 đời Vua Trần Dụ Tông tổ chức khuyên giáo các nơi cúng ruộng làm chùa nên trên nền am cũ nhiều người phát tâm công đức dựng chùa, khắc bia đá để mọi người được thụ trì kinh Phật. Phần cuối của tấm bia ghi họ tên những người cúng tiến ruộng ao. Bia cao 95cm, rộng 58cm, dày 12cm. Mặt trước bia có phần trán cao 13cm chạm một đôi rồng chầu vào bốn chữ viết thảo thành hai hàng dọc và hai hàng ngang (mỗi hàng hai chữ) là Đại Phúc Thông Minh (tôn quý có phúc lớn, sáng sủa, minh bạch).

Theo các nhà nghiên cứu, kiểu bố cục này phổ biến trên nhiều bia thời Lý và thời Trần. Các hình chạm khắc trên bia cũng cho thấy nhiều nét mỹ thuật điển hình cho nửa sau đời Trần như hình rồng có dáng mập mạp, có tai và sừng chạc; hai dây hoa viền quanh bia uốn sóng đều đặn theo hình sin từ chân bia hướng lên rồi ngoắc ngọn vào nhau ở đỉnh bia. Trong mỗi khúc uốn lại trổ ra một bông hoa lấp kín tạo bởi những guột móc toả về hai bên; phần dưới chân bia là một dãy chạm bẩy hình lá đề mà cạnh bị ấn khấc, xen kẽ phía trên là 6 hạt tròn nhọn đầu với những vạch cong như đang quay, trong lòng các lá đề được chạm cặp sừng vắt chéo hoặc có một hay ba tia bốc lên, đan xen là hạt tròn nhỏ nhọn đầu - là biểu hiện sự phát triển của thế giới, của vũ trụ. Trong lòng bia là bức phù điêu khắc một người ngồi ngai rồng, hai tay cầm hốt, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo như kiểu long bào, phía sau đầu toả vòng hào quang, toàn thể ở trên một toà sen. Các nhà nghiên cứu đã thống nhất đây là hình ảnh Vua Trần Nhân Tông - đánh dấu sự kiện Vua Trần Nhân Tông từng ngự giá về đây.

Theo các nhà nghiên cứu, bia đá chùa Giàu là một bảo vật quốc gia quý vì mang cả giá trị thư tịch và nghệ thuật. Đến nay chưa phát hiện được tấm bia nào có hình thức trang trí như tấm bia chùa Giàu. Vì vậy, đây là tấm bia duy nhất được phát hiện tại tỉnh Hà Nam có giá trị nghiên cứu nhiều vấn đề về lịch sử - văn hoá và tôn giáo.

Trống đồng Tiên Nội 1 (Ảnh tư liệu Cục Di sản văn hóa).

Trống đồng Tiên Nội 1 (Ảnh tư liệu Cục Di sản văn hóa).

Trống đồng Tiên Nội 1 là hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập Trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Mặt trống có hoa văn trang trí là sự kết hợp của các hoa văn kỷ hà và hoa văn tả thực. Vành hoa văn số 7 được trang trí chủ đề chim và cá. Cho đến nay, sự kết hợp này duy nhất chỉ được bắt gặp trên mặt Trống Tiên Nội 1, với niên đại dự đoán trong khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ III trước Công nguyên.

Tiêu bản Trống đồng Tiên Nội 1 rất có giá trị để nghiên cứu về kỹ thuật đúc đồng, sự thành thạo trong pha trộn hợp kim của cư dân Lạc Việt; trang trí trên trống biểu hiện cho các tinh hoa về nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và là biểu tượng của cư dân Việt cổ hơn 2.000 năm trước.

Tại Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 20203 tỉnh Hà Nam cũng đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia thuộc tỉnh Hà Nam gồm: Di tích Lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng; Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng; Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân.

Tiềm năng phát triển du lịch

Cùng với những tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và một bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, Hà Nam thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế để thu hút mạnh mẽ thị trường khách từ Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổng lượng khách du lịch đến với Hà Nam năm 2022 ước đạt 3.154.000 lượt. Doanh thu du lịch cả năm ước đạt 2.152,5 tỷ đồng. Chỉ riêng, trong 4 tháng đầu năm 2023, trên 3 triệu lượt khách du lịch đã đến Hà Nam, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 2.420 tỷ đồng.

Hà Nam có rất nhiều sự kiện kích cầu du lịch. Điển hình, Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam 2023 diễn ra từ ngày 14/5 - 20/5/2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn, gồm chuỗi các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư đến Hà Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch.

Dịp này, khu du lịch Tam Chúc còn triển khai thử nghiệm công nghệ hướng dẫn viên du lịch ảo, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Du khách sử dụng thiết bị di động cá nhân để truy cập vào nền tảng này, sau đó hướng dẫn viên ảo sẽ thuyết minh, trả lời, tương tác với người dùng, tương ứng với thắc mắc và hành trình của du khách khi tham quan, du lịch tại Tam Chúc.

Một điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 là Festival Khinh khí cầu Hà Nam. Đây là sự kiện quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nam với sự kết hợp trình diễn khinh khí cầu với âm nhạc và các hiệu ứng ấn tượng.

Ngoài ra, tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, cùng với các hoạt động thúc đẩy du lịch trên địa bàn như triển lãm ảnh đẹp du lịch Hà Nam, ảnh đẹp, ẩm thực du lịch Nhật Bản; tổ chức đoàn khảo sát, liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch Hà Nam gắn với các điểm tham quan như đền Trần Thương, chùa Địa Tạng Phi Lai, khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, khu nhà Bá Kiến.

Hà Nam cũng đang triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; trong đó, lấy du lịch làm cơ sở, động lực để thúc đẩy phát triển dịch vụ - thương mại.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh; thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, thương hiệu đầu tư các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao; khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch. Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Xây dựng danh mục, ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Theo Dự thảo quy hoạch, phát triển du lịch Hà Nam với những sản phẩm đa dạng có giá trị cao về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - giải trí - nhân sinh - sáng tạo, là điểm đến quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, phấn đấu trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Phát triển các khu du lịch vui chơi giải trí khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia, tại huyện Kim Bảng (tại thị trấn Ba Sao, xã Liên Sơn, xã Khả Phong, xã Tân Sơn, xã Tượng Lĩnh,…); huyện Thanh Liêm (Khu Đồi Con Phượng, xã Thanh Nghị, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, xã Liêm Sơn, đền Lảnh Giang..).

Đọc thêm