Vẽ mặt như ô bàn cờ để... làm đẹp

(PLO) -Trên thế giới hiện nay, nghệ thuật xăm khá phổ biến và cũng chẳng phải là điều lạ lùng. Thường chúng ta chỉ nhìn thấy những hình xăm trên cơ thể như tay, chân, lưng, bụng… còn đối với việc xăm mặt thì khá hiếm hoi. Thế nhưng loại hình xăm mặt lại được tìm thấy rất nhiều ở những người phụ nữ bang Chin ở Myanmar. 
Những hình xăm mặt của phụ nữ các bộ tộc bang Chin.
Những hình xăm mặt của phụ nữ các bộ tộc bang Chin.

Những hình xăm ngang dọc giống như mạng nhện khắp khuôn mặt trông có vẻ xấu xí, nhưng đối với họ đó là biểu tượng của cái đẹp, thậm chí nếu không xăm mặt thì khó có thể lấy được chồng. 

Sinh sống dựa vào trồng trọt

Bang Chin nằm lọt thỏm giữa núi rừng phía Tây Myanmar, giáp biên giới với cả Bangladesh và Ấn Độ. Bang Chin có khí hậu ôn hòa nóng, ẩm ướt hơn so với khu vực khác của Myanmar. Tháng 4, 5 là tháng nóng nhất trong năm. Vào mùa lạnh, nhiệt độ giảm mạnh và có băng tuyết. 

Trong gia đình, phụ nữ sẽ phải làm tất cả các công việc nhà từ nấu ăn cho đến chăm sóc con cái, bởi họ cho rằng đàn ông nấu ăn là điều không may mắn. Những người đàn ông thường mặc khố, khi thời tiết lạnh hơn thì họ quấn thêm quanh mình một tấm chăn mỏng.

Phụ nữ bang Chin xinh đẹp hơn trong những chiếc áo choàng được làm thủ công, bên trên thêu dệt các họa tiết cầu kỳ, đặc biệt họ gần như lúc nào cũng cầm tẩu trên tay, phì phèo khói thuốc.

Chiếm 2% dân số Myanmar, người dân bang Chin có lối sống dân dã chủ yếu theo truyền thống cổ xưa, sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp như trồng lúa, ngô, kê, lạc, ớt, đậu, khoai tây, hạt hướng dương, cây bông, cây mía, thuốc lá, cà phê. Ngoài ra còn trồng thêm các loại cây ăn quả như cam, táo, nho, chuối và các loại rau củ… Công nghiệp chủ yếu là khai thác gỗ hoặc trồng dâu nuôi tằm. 

Những hình xăm mặt của phụ nữ các bộ tộc bang Chin.
Những hình xăm mặt của phụ nữ các bộ tộc bang Chin.

Là biểu tượng của sắc đẹp

Văn hóa xăm mặt ở bang Chin vốn đã nổi tiếng từ rất lâu, xuất hiện từ thế kỷ 11 và tồn tại cho đến bây giờ. Có một số giả thuyết về phong tục này, đầu tiên theo như người xưa kể lại rằng, phụ nữ người Chin rất đẹp nên vua chúa và quý tộc rất muốn bắt cóc họ về làm vợ hoặc tì nữ. Cha mẹ lo sợ con gái bị bắt cóc nên đã nghĩ ra cách xăm hình lên khắp mặt để trông xấu xí đi.

Thứ 2, phong tục xăm mặt xuất hiện là để phân biệt các bộ tộc khác nhau, từ đó ngăn chặn việc phụ nữ của bộ tộc này bị đàn ông của bộ tộc khác bắt cóc. Giả thuyết cuối cùng, đó là kể từ thời thực dân Anh xâm lược, nhiều bộ tộc bang Chin theo đạo Thiên chúa giáo, những vị linh mục truyền giáo đã nói rằng xăm mặt là nghi thức để sau khi chết đi, con người được lên thiên đàng. 

Tuy nhiên, theo thời gian dần dà xăm hình lên mặt lại trở thành biểu tượng của sắc đẹp và những người phụ nữ rất tự hào vì được xăm mặt trước nam giới, không những thế, nếu không xăm mặt thì phụ nữ ở đây khó có thể lấy được chồng. 

Thường thì những thiếu nữ ở độ tuổi từ 11-15 tuổi đã phải xăm mặt. Để xăm hình, người phụ nữ bang Chin phải mất ít nhất một ngày có khi kéo dài tới vài ngày. Họ sử dụng gai để xăm và mực xăm là một hỗn hợp làm từ mật bò, bồ hóng, nhựa cây và mỡ heo. Được biết, bồ hóng đóng một vai trò như một chất khử trùng; mật bò, nhựa cây và mỡ heo để vết xăm lâu phai và trông tự nhiên. 

Quá trình xăm mặt vô cùng đau đớn, đau nhất là vùng da ở mắt và cổ, do đó những nơi này thường được xăm nhẹ nhàng và cẩn thận. Sau khi xăm xong nhiều phụ nữ bị phù sưng hết khuôn mặt và không thể đi ra ngoài được, đến khi khỏi hẳn thì họ sẽ có hình xăm in trên mặt theo họ đến cuối đời.

Những hình xăm mặt của phụ nữ các bộ tộc bang Chin.
Những hình xăm mặt của phụ nữ các bộ tộc bang Chin.

Các kiểu xăm mặt

Bang Chin có khoảng 12 bộ tộc từ phía Bắc bang Arakan đến phía Đông Nam bang Chin như: Nagas, Rakhines, M’kaan, Yin Du, và Uppriui, Yah, nhưng dân số chủ yếu là dân tộc Munn và Dai … mỗi bộ tộc lại có kiểu xăm mặt khác nhau vô cùng độc đáo, cũng chính những hình xăm này mà người ta có thể nhận diện các bộ tộc trong vùng với nhau. 

Phụ nữ tộc Mkaan thường xăm trên má và cằm là chủ yếu. Phụ nữ tộc Munn có một loạt các vòng tròn nhỏ nối liền, tạo thành hình bán nguyệt, xăm từ má xuống cổ và hình xăm của bộ tộc này được cho là tinh tế nhất. Còn ở các bộ tộc khác, phụ nữ thường xăm đen kín cả khuôn mặt, trong đó có tộc Yindu và Dai xăm mặt bằng các chấm đen dày đặc, thậm chí xăm cả mí mắt.

Họ quan niệm càng xăm nhiều càng đẹp. Đặc biệt là bộ tộc Chin, hình xăm trên khuôn mặt của họ giống như hình mạng nhện và người phụ nữ Chin cho rằng đây là cách để thu hút đàn ông giống như mạng nhện bắt côn trùng. Thậm chí, nếu cô gái nào không có vết xăm trên mặt thì bị coi là xấu xí và khó có thể lấy được chồng, còn những người phụ nữ càng có nhiều vết xăm trên mặt thì người phụ nữ đó càng xinh đẹp.

Thế hệ cuối cùng

Ngày nay, khi trình độ xã hội đã phát triển hơn nhiều, hủ tục này cũng mai một đi nhiều. Nhiều người dân tộc đã chuyển tới vùng khác để sinh sống, giời trẻ ngày nay cũng ít người xăm lên mặt của mình nữa, chỉ còn một số người già lớn tuổi là còn trên mặt những vết xăm xưa để lại.

Cô Pam Hung, 28 tuổi của tộc Chin là một trong sốt ít người ở thế hệ trẻ thực hiện phong tục xăm mặt này. Cô mất cha mẹ từ khi còn nhỏ, người dân trong làng khuyên cô xăm mặt để bảo vệ linh hồn của họ. “Tôi được xăm mặt khi cha mẹ tôi qua đời, hình xăm là sức mạnh tinh thần bảo vệ tôi. Tôi cũng đã rất sợ hãi và cũng không nghĩ mình đủ mạnh mẽ để chịu đựng và vượt qua sự đau đớn của việc xăm mặt”. 

Bà Daw Ngai Pai, 72 tuổi, thuộc bộ lạc Muun nói rằng, “Tôi xăm mặt từ lúc tôi khoảng 12 tuổi. Thật sự lúc đó rất đau đớn, khắp mặt toàn là những vết thương do bị gai đâm. Tôi không hề nghĩ về lý do tôi phải làm việc này, chỉ biết đó là phong tục và tất cả các cô gái bằng tuổi tôi đều phải trải qua. Giờ đây, con gái tôi không phải xăm mặt và chúng cũng không còn nghĩ rằng xăm mặt là biểu tượng của cái đẹp như thời chúng tôi”. 

Gai được sử dụng để xăm mặt.
Gai được sử dụng để xăm mặt. 

Bà Yaw Shen thuộc tộc Dai bị xăm mặt từ khi 15 tuổi và giờ đây bà thường biểu diễn cho khách du khách nghệ thuật chơi sáo bằng mũi: “Khi bị xăm mặt của tôi sưng lên và phải mất tới một tuần mới khỏi. Mẹ nói với tôi rằng, tôi sẽ tìm được người chồng tốt và với hình xăm trên mặt mình”. 

Bà Daw Nay Ngui, 90 tuổi, một phụ nữ của bộ tộc Dai luôn coi hình xăm là một biểu tượng đẹp và nó là thứ quý giá bà có được trong cả cuộc đời mình. “Thế hệ trẻ bây giờ chỉ muốn thoát khỏi đây đến nơi khác sinh sống. Họ bị cuốn hút bởi máy tính, sách vở, quần áo đẹp chứ không phải là xăm mặt. Giờ đây, những hình xăm mặt chỉ còn nhìn thấy ở những người già như tôi, chúng tôi vẫn luôn tự hào với vẻ đẹp của mình. Có lẽ những người già chúng tôi là thế hệ cuối cùng còn xót lại của phong tục xăm mặt này.” 

Phong tục này tồn tại từ thế kỷ 11 và đến năm 1960 chính thức bị chính quyền Myanmar ban hành lệnh cấm vì cho nó là hủ tục man rợ và sẽ phạt nặng nếu như ai không tuân thủ. Tuy nhiên, bằng cách nào đó nét văn hóa này vẫn được duy trì tới những năm 1990. 

Được biết trước đây, bang Chin sống tách biệt, cô lập với thế giới bên ngoài và cũng không được nhà nước quan tâm nhiều. Khách nước ngoài cũng bị hạn chế và nếu muốn đến đây du khách phải xin xác nhận của chính quyền địa phương.

Chính vì vậy mỗi năm, nơi này chỉ có khoảng 700 khách du lịch ghé thăm và mục đích người ta đến đây để chiêm ngưỡng những thế hệ phụ nữ xăm mặt cuối cùng còn xót lại của bang Chin.../.