“Mẹ tôi ngày trẻ nhỏ nhắn, xinh, khéo lắm”
Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ nơi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu từng sống ở làng Quảng Phúc (xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) giờ đã là nơi thờ cụ và cũng là không gian sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Mận.
Là con gái và cũng là một truyền nhân của cụ Hà Thị Cầu, bà Mận tự hào về câu lạc bộ hát xẩm mang tên cụ Hà Thị Cầu với sự góp sức của bạn bè, chòm xóm để cùng nhau giữ chất xẩm dân gian. Bà Mận kể, năm 2013, nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời. Khi ấy, ông Trịnh Xuân Quảng, một cựu chiến binh, thầy giáo sống gần nhà vì quá tiếc thương cụ Cầu, bàn với bà Mận tìm cách duy trì chiếu xẩm. Nhưng cũng phải đến năm 2018, câu lạc bộ xẩm Hà Thị Cầu mới được thành lập với 12 thành viên. Câu lạc bộ truyền dạy miễn phí cho các nghệ sỹ không chuyên và học sinh huyện Yên Mô.
Đàn nhị, trống, phách gắn với đời xẩm của cụ Hà Thị Cầu vẫn còn đó. Tay trống Vũ Đức Năng từng gắn bó với cụ cũng sẵn lòng truyền dạy cho đời sau. Ở lứa học trò đầu tiên, có nghệ nhân hát xẩm Đào Bạch Đàn. Lời hát, cốt cách của xẩm cứ thế mà ngấm vào từng thành viên, từ những em bé bắt đầu biết hát múa, tới các cụ già...
Trước đó, nhà nghèo, bà Mận bận mưu sinh, nên dù sống cùng mẹ, bà Mận chưa từng hát xẩm. Nhưng thật kỳ lạ, từ ngày mẹ mất, bà đã lên sân khấu và hát như đã thuộc làu từ lâu 12 làn điệu xẩm cổ của cụ Cầu… Và thế rồi, CLB xẩm Hà Thị Cầu đã truyền dạy đến khóa thứ 3 với 29 em học sinh. Trong đó, có nhiều em được cha, mẹ gửi học từ năm 4 tuổi. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi những cháu bé gõ trống, phách, kéo đàn nhị trình diễn cùng các bà bài “Ngãi mẹ sinh thành”…
Ở tuổi 14, em Đinh Thùy Linh, chắt ngoại của cụ Hà Thị Cầu được đánh giá có giọng hát tốt và kéo nhị điêu luyện. Linh cho biết: “Em bắt đầu học xẩm theo bà ngoại (bà Mận) từ năm 7 tuổi. Ở đây các em nhỏ cũng đã thuộc đến 30 bài phát triển từ các làn điệu cổ, em và bạn lớn hơn đều thuộc tới 50 - 70 bài hát, làn điệu. Lúc đầu khi mới tiếp cận em thấy chưa quen cách hát sao cho ra xẩm, nhưng sau đó càng học em càng hứng thú và không còn thấy khó nữa”. Bà Mận cho biết, các cháu nội, ngoại đều học xẩm rất nhanh. Thùy Linh nay đã cùng bà đứng lớp, không chỉ dạy hát mà còn dạy đàn…
Bà Mận xúc động nói: “Lúc mẹ tôi còn sống, cụ thường lo lắng sau khi khuất núi, không còn người nối nghiệp. Mẹ tôi không biết chữ nhưng nói gì cũng ra văn, ra thơ. Nay trực tiếp biểu diễn và truyền dạy, tôi thấy ngày càng có nhiều người biết xẩm, yêu xẩm”.
Cùng các cháu hát cho chúng tôi nghe bài Hà liễu, bà Mận nói, đây là một trong những bài hát khó nói về thân phận người phụ nữ xưa, khi hát bà luôn nhớ tới cuộc đời của mẹ. Trước đây cụ Cầu nói bài Thập ân rất khó vì ca từ ấy, đời người đi mãi không hết một chữ “hiếu”…
Nghệ nhân, Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của bà, theo cách mà người Yên Mô, Ninh Bình thường gọi), sinh năm 1917 tại Nam Định. Từ thuở ấu thơ cụ đã theo cha mẹ đi “khắp chợ cùng quê” hát rong kiếm sống. Chính tiếng đàn khúc hát quê hương, qua cha mẹ, bạn nghề của cha mẹ đã ngấm vào máu thịt, ăn sâu vào tiềm thức của cụ. Để sau này khi cụ cất tiếng hát, tiếng hát ấy là hồn quê, là nghĩa nước, là tình nhà, là tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật hát xẩm hun đúc mà thành.
Không được học nên không biết chữ, nhưng bé Năm ngay từ nhỏ đã thuộc hết các tích chuyện dân gian như Nhị Độ Mai, Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa... đặc biệt là khúc hát về chàng Trương Chi đa tình mà giàu lòng tự trọng.
Năm 15 tuổi, sau khi cha mẹ mất ở Thanh Hóa, bà về Ninh Bình theo ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu rồi nên duyên với ông. Ngày bà Cầu về làm lẽ cho ông Mậu thì ông đã 49 còn bà mới 16 tuổi. Hồi đó, ông Mậu là một trong những ông trùm xẩm lớn, ông đàn bầu, đàn tranh hay nhất vùng. Cô bé Năm ngày đầu đi hát cùng nhau người ta thường đùa là ông cháu. “Mẹ tôi ngày trẻ nhìn xinh, khéo lắm. Bố tôi cũng cao lớn, đẹp trai. Tôi không đẹp như hai cụ. Năm mẹ tôi gần 40 tuổi thì bố tôi qua đời” - bà Mận kể.
Bà Nguyễn Thị Mận cùng các cháu nội, cháu ngoại truyền nhân của cụ Hà Thị Cầu. (Ảnh: PV) |
Nỗ lực để hát xẩm được UNESCO công nhận văn hóa phi vật thể thế giới
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, bé Năm ngày nào đã trở thành thiếu nữ, rồi làm mẹ, làm bà, làm cụ - đi qua nhiều thăng trầm của thân phận người phụ nữ xưa, của dòng chảy lịch sử. Sinh thời, cụ nhiều lần chia sẻ, nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà cuộc đời hát rong của cụ được đổi thay. Bài xẩm “Con ơi theo Đảng trọn đời cái tâm, cái tình, cái nghĩa của bà với Đảng, với Bác Hồ”, vốn không biết chữ nên nghĩ được câu nào bà lại nhờ con cháu, anh em ghi lại, rồi thỉnh thoảng đọc cho bà nghe để bà lẩm nhẩm học thuộc. Cứ như vậy, hơn ba năm bà mới hoàn thành tâm nguyện của mình. “(Con nghe) mẹ kể từ khi sinh thành/Mới sinh con đã biết gì đau thương/ Giặc Pháp (thời) giầy xéo quê hương/Bà con chết đói ngập đường đầy sông/Cảnh nhà ta, nay bước đường cùng”.
Bài ca không chỉ là hơn ba mươi câu lục bát mà là cả cuộc đời huyền thoại của cụ Cầu. Sâu nặng, ân tình... Chiếu xẩm từ lề đường, góc phố đã lên sân khấu lớn với những giá trị còn mãi với thời gian…
Theo các tài liệu nghiên cứu, hát xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp. Một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Thời phong kiến, hát xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công, cường quyền, áp bức, những thói hư, tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Sau chiến tranh, các làn điệu xẩm được các nhạc sỹ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước
Cho đến nay, nhiều người vẫn hiểu xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin. Nhưng đúng ra là người khiếm thị đã dùng xẩm làm phương tiện kiếm sống. Vì thế, hát xẩm thực sự là một loại hình âm nhạc chuyên nghiệp. Chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình, một góc chợ quê nghèo... Trước đây xẩm gắn với hoạt động của nhân dân ta trong những vụ nông nhàn, những gánh hát xẩm thường được mời về hát tại tư gia những gia đình giàu có, quyền quý.
Yên Mô là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát xẩm, hiện toàn huyện có gần 30 CLB hát xẩm thường xuyên tập luyện, giao lưu. Ninh Bình hiện lưu giữ hơn 10 làn điệu hát xẩm như: Điệu xẩm chợ, Chênh bong, Phồn huê, Riềm huê, Huê tình, Hò bốn mùa, Ba bậc, Thập ân, Hà liễu, Tàu điện…
Trên bình diện quốc tế, nghệ thuật hát xẩm đã được các nhà khoa học của Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội, Đại học Temple, Hoa Kỳ, đặc biệt là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn nghiên cứu phổ biến trong nhiều năm qua.
Với các hoạt động truyền dạy hát xẩm và biểu diễn, phục vụ sự kiện cũng như khách du lịch, cùng nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, nghệ thuật hát xẩm đang được bảo tồn, phát huy. Bà Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết tại một hội thảo về xẩm tổ chức tại huyện Yên Mô cuối năm 2022, nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình vẫn đang được các thế hệ truyền nhân của cố Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu duy trì và truyền dạy cho các lớp trẻ. Các thế hệ đã và đang bảo lưu những lề lối, lời hát, nhạc cụ của xẩm cổ theo các cách truyền dạy khác nhau như: truyền dạy trực tiếp, soạn giáo trình học theo, đi biểu diễn trong các hội thi, hội diễn...
Theo bà Lịch, với những giá trị đặc biệt đó, nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021 và hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.