Về vương quốc Tháp Chăm-pa cổ kính mùa lễ hội

(PLO) - Hàng năm vào ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 theo lịch Chăm, đúng ngày Lễ hội Katê, hàng nghìn người Chăm sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tổ chức, cúng tại 3 tòa tháp cổ là tháp Pô Klông Girai, Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar linh thiêng, trang trọng. 

Đến Ninh Thuận mùa của những lễ hội Chăm pa cổ, bạn sẽ khám phá ra điều kỳ thú ẩn sau vẻ khô cằn, nắng gió của vùng đất Ninh Thuận là sự duyên dáng, quyến rũ với những nét đẹp hoang sơ, những điệu múa, câu hát say đắm lòng người cùng phong tục cúng tế độc đáo. Du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng những dấu tích tháp Chăm cổ kính với kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Hãy cùng khám phá 3 tòa tháp cổ nơi diễn ra Lễ hội Katê của thành phố Phan Rang- Tháp Chàm xinh đẹp này.

Tưng bừng lễ hội Katê truyền thống của người Chăm
Tưng bừng lễ hội Katê truyền thống của người Chăm

1. Tháp Pô Klông Girai

Quần thể tháp Chăm nằm trọn vẹn trên ngọn đồi có tên là Đồi Trầu, thuộc khu phố 8, phường Đô Vinh. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ XIII để thờ vị vua Chăm trị vì xứ Panduranga (Ninh Thuận ngày nay); ông có tên là Pô Klông Garai (1151 - 1205); hiện nay cụm tháp còn nguyên vẹn về cả công trình kiến trúc lẫn việc tổ chức thờ phụng, cúng kính của người Chăm.

Tháp Pô Klông Garai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp: tháp chính thờ tượng Vua Pô Klông Garai, tháp cổng ở phía Đông và tháp Thần Lửa chếch phía Nam có mái hình thuyền, công trình đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1979.

Tháp chính cao 20m50, nhiều tầng, tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ. Từ cửa vào, bên trái có một tượng bò thần Nandin bằng đá, đầu hướng vào trong tháp. Vào trong tháp, có một Yoni cạnh dài 1m47, cạnh ngang 0m94, trên Yoni là một Linga tròn, phía trên trụ Linga có chạm khắc chân dung Vua Pô Klông Girai. Phía Nam giữa hai tháp trên là tháp thờ Thần Lửa, cao 9m31. Ở phía sau tháp chính có 1 miếu thờ tượng Kút hoàng hậu, trong sử ghi tên là Tố Lý. Ở ngoài vòng thành phía Nam quần thể tháp có 1 trụ đá (Linga) cao 2m20. Cũng nằm ngoài vòng thành phía Đông Bắc quần thể tháp có 1 tảng đá bánh ú 3 mặt có khắc chữ Chăm cổ.

Hàng năm, vào sáng ngày 1 tháng 7 âm lịch, một nghi thức múa nghi lễ và tấu nhạc dân gian do người Chăm diễn ngay trước tháp để dâng lên vua, cầu cho người người hạnh phúc, quốc thái dân an.

Tháp Pô Klông Girai
Tháp Pô Klông Girai

2. Tháp Pô Rômê

Cách Phan Rang 25km về phía Tây Nam, tháp Pô Rômê là một tháp cổ còn khá nguyên vẹn ở Ninh Thuận ngày nay. Tháp được xây dựng khoảng thế kỷ XVII trên một ngọn đồi thuộc làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, người Chăm xây dựng tháp để thờ Pô Rômê (1627 - 1651), là một vị vua có công phát triển nông nghiệp, thủy lợi ở vùng Panduranga.

Tháp Pô Rômê xây dựng 4 tầng, có một cửa chính ở hướng Đông, cấu trúc dạng vòm trở thành tiền sảnh; phía trên có gắn phù điêu thần Siva. Ba mặt Nam, Bắc, Tây là 3 cửa giả, trên mỗi cửa giả đều có một vòm đặt một tượng người ngồi chắp tay cầu nguyện. Ở 3 tầng trên, khắp 4 mặt đều có những vòm cung, có gắn tượng người tương tự ở tầng dưới. Những tượng này tạo cho tháp một vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Ở 4 góc của 4 đỉnh có gắn những phù điêu hình ngọn lửa. Bên trong tháp, chính giữa người Chăm đặt một tượng vua Pô Rômê gắn liền một tấm bia phía sau. Vua Pô Rômê đã được thần hóa nên tượng thể hiện như một thần Siva: ngoài 2 tay chính để trên bụng, còn có 6 tay ở tư thế Siva đang múa. Trên tấm bia còn có chạm chân dung hình 5 nhân vật mà theo các nhà nghiên cứu thì đây là 5 đại thần trong triều Vua Pô Rômê. Ở 2 bên tượng vua còn có tượng 2 bò thần Nanđin nhỏ, vật cưỡi của thần Siva nằm phủ phục. Tất cả đều được tạc trên bệ yoni. Đặc biệt, đỉnh tháp là một tảng đá lớn tạc theo hình một Linga. 

Pô Rômê là vị vua có công chỉ đạo dân tộc Chăm trong vùng khai phá đất đai, làm thủy lợi, phát triển nông nghiệp đem lại ấm no cho nhân dân. Năm 1992, Bộ Văn hóa đã ra quyết định xếp hạng công nhận tháp Pô Rômê là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Ngày nay, trong xu thế phát triển du lịch, tháp Pô Rômê trở thành một điểm du lịch mang tính du khảo lý tưởng; bởi vì tháp Pô Rômê vừa nằm trong vùng đồi núi thiên nhiên hoang sơ, không xa quốc lộ IA, lại vừa ở cách làng người Chăm rất gần, chỉ 2km, một làng thuần túy nông nghiệp, mặt khác tháp có cự ly gần, khoảng 6km cách làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc vốn nổi tiếng của người Chăm ở Ninh Thuận.

Tháp Pô Rômê
Tháp Pô Rômê

3. Đền thờ Nữ thần Pô Inư Nưgar

Đối với dân tộc Chăm, Nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar là vị thần thiêng liêng nhất trong các vị thần mà họ đang thờ phụng. 

Ngoài tháp lớn thờ Nữ thần xứ sở có ở Nha Trang (Khánh Hòa), trong tỉnh Ninh Thuận người Chăm cũng có lập đền thờ rất lâu đời ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Theo sử liệu thì một nhân vật tên là Vikrânta Varman III sau khi lên ngôi, vào năm 854 ngoài việc xây dựng tháp Bà Nha Trang còn xây dựng một ngôi đền thờ Bà tại vùng Ninh Phước. Đền thờ nằm ở vùng đất gò giữa cánh đồng phía Bắc làng Hữu Đức có cấu trúc 3 gian: Gian trước có một pho tượng Nữ thần bằng đá ngồi trước một tấm bia, hai tay đặt lên hai đầu gối, đầu đội chiếc mũ hình trụ chóp hơi cong về phía trước, pho tượng có tên là Pô Bia Attakan, con gái thứ 7 của Pô Inư Nagar. Gian giữa trống, có xây một bàn xi măng thấp, là nơi để trưng bày lễ vật cúng và là chỗ các chức sắc quần tụ chung quanh bàn này để tiến hành làm lễ.

- Gian trong có hai pho tượng bằng đá đặt cạnh nhau: pho tượng thứ nhất là tượng Nữ thần Pô Inư Nưgar, tạc theo cách ngồi xếp bằng tròn tựa lưng vào tấm bia, bàn tay đặt duỗi lên đầu gối, đầu đội chiếc mũ hình trụ hơi cong về phía trước, vú to, mặc sàrong, đồ trang sức trên pho tượng có hoa tai, chiếc vòng đeo cổ, các vòng đeo ở cánh tay được chạm khắc đính liền trên bề mặt tượng đá. Pho tượng thứ hai là tượng con gái tên là Pô Tơh của bà, kích thước bé hơn, hình thức cũng ngồi xếp bằng và mang các trang phục như các pho tượng thứ nhất.

Theo truyền thuyết, Nữ thần Pô Inư Nưgar là con nuôi của 2 vợ chồng già trồng dưa ở vùng Kauthara (Nha Trang ngày nay). Bà có công truyền dạy dân Chăm vỡ đất cày ruộng gieo hạt trồng lúa, dạy các nghề thủ công, trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa, bà còn dạy dân về ca hát, múa lễ, múa vui chơi, chữa bệnh... Cho đến ngày nay, người Chăm vẫn tôn sùng bà là vị Thần mở mang xứ sở, đem lại cơm no, áo ấm, văn hóa nghệ thuật cho nhân dân, có khi người Chăm còn tổ chức những lễ cầu tự tại đền thờ Bà bằng hình thức tế con vích ở biển dâng lên.

Nếu về làng Hữu Đức đúng vào dịp này, du khách sẽ chứng kiến một không khí tưng bừng của những ngày Lễ hội Katê tại các tháp nói chung và tại đền Pô Inư Nưgar nói riêng, mang đậm bản sắc một dân tộc đang duy trì chế độ mẫu hệ.

Cùng với 3 tòa tháp linh thiêng trên, tại Ninh Thuận còn có tháp Hòa Lai cũng là một tòa tháp Chăm cổ với kiến trúc tinh xảo, độc đáo. Cụm tháp Hòa Lai nằm sát quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 15km về phía Bắc. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ 9, một quần thể rất có giá trị về kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, gồm 3 tháp; tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam, tuy nhiên tháp Giữa xây dở dang nên hiện nay chỉ còn nền tháp.

Tháp Bắc cao, được xây bằng gạch, mặt tường bằng gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú, lá hoa.... rất tinh xảo. Tháp Nam cao hơn, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch được chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang được phác thảo. Cụm tháp Hòa Lai được đánh giá là cụm tháp rất đẹp, đã làm say lòng nhiều du khách.