Dự báo nhiều khó khăn thời kỳ hậu Covid-19
3 kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới với giả định bệnh dịch không bùng phát mạnh ở Việt Nam.
Theo kịch bản 1, kịch bản lạc quan nhất, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý II/2020.Với GDP quý I là 3,8%, VEPR dự báo 3 quý còn lại trong năm GDP lần lượt là: -3,3%, 7,2% và 7,4%. GDP cả năm là 4,2%.
Theo kịch bản 2, kịch bản trung tính, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng.
Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020.Với GDP quý I là 3,8%, VEPR dự báo 3 quý còn lại trong năm GDP lần lượt là: -4,9%, -1,1% và 7%. GDP cả năm là 1,5%.
Kịch bản 3, kịch bản bi quan, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng.
Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý IV/2020.Với GDP quý I là 3,8%, VEPR dự báo 3 quý còn lại trong năm GDP lần lượt là: -5,1%, - 5,3% và 2,8%. GDP cả năm là -1%
Theo VEPR, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.
Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị Covid-19.
VEPR cũng lưu ý, con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.
Cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau
Theo các chuyên gia VEPR, trong bối cảnh các ràng buộc chính sách (Nguồn lực tài khóa hạn hẹp; Chính sách tài khóa gặp ràng buộc về mục tiêu lạm phát và tỷ giá) thì các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. (Ví dụ, chính sách giảm giá điện hay tiền thuê đất).
VEPR cho rằng, cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”).
Bên cạnh thúc đẩy đầu tư công đi kèm tiết kiệm chi thường xuyên (Đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng đã được phê duyệt; Cắt giảm/tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%) cần đặc biệt chú ý đến đối tượng doanh nghiệp (DN).
“Trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các DN còn có khả năng hoạt động, có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh “ngăn sông, cấm chợ” cực đoan ở một số địa phương. Cùng với đó, ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, cá nhân và hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai…”, Báo cáo của VEPR nhấn mạnh.
Đối với nhóm DN bị ngưng hoạt động, VEPR cho rằng cần khoanh/ngưng các chi phí tài chính (Khoanh nợ/lãi, tiền thuê đất), sau khi bệnh dịch qua đi, nếu còn hoạt động trở lại mới khuyến khích tín dụng.
Đối với nhóm các DN bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động, cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ như: Hoãn/miễn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT (không phải thuế TNDN); Ưu đãi vốn vay nhưng phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu.
Đối với nhóm các DN ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, cần hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành, bởi đây là nhóm gánh đỡ cho cả nền kinh tế.
Trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như: Giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch; Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19; Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu (tránh phụ thuộc hoàn toàn vào EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc).