Vì đâu dân phải tranh chấp tiền đền bù?

  Việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21, đoạn đi qua địa bàn huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định hiện đã cơ bản hoàn thành. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tưởng đã được “êm xuôi” thì nay lại xuất hiện khiếu kiện của một mẹ liệt sỹ tại Thị trấn Cổ Lễ… Đáng nói là không giải quyết dứt điểm khiếu kiện, UBND huyện Trực Ninh lại “đẩy” người dân ...đến Tòa để giải quyết về tiền đền bù GPMB.   
Việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21, đoạn đi qua địa bàn huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định hiện đã cơ bản hoàn thành. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tưởng đã được “êm xuôi” thì nay lại xuất hiện khiếu kiện của một mẹ liệt sỹ tại Thị trấn Cổ Lễ… Đáng nói là không giải quyết dứt điểm khiếu kiện, UBND huyện Trực Ninh lại “đẩy” người dân ...đến Tòa để giải quyết về tiền đền bù GPMB.   
 Khiếu kiện bắt nguồn từ việc, Hội đồng bồi thường GPMB UBND huyện Trực Ninh đã coi ông Lê Minh Phiển (Đội 3, Thị trấn Cổ Lễ) được sử dụng hợp pháp toàn bộ phần đất trong diện GPMB (khoảng hơn 100m2) trước nhà. Từ đó, ông Phiển được lên phương án bồi thường để nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, bà Dương Thị Ư (nhà phía sau ông Phiển) lại cho rằng, gia đình mình có 1 phần đất bám mặt đường (với 3m chiều sâu) trong diện tích đất đã tính bồi thường cho ông Phiến. Nguyên do, năm 1977, bà Ư cắt 1 phần đất thổ cư để bán cho Phan Minh Kính và để lại 1 dẻo đất bám mặt đường  vì phần đất này nằm trong hành lang giao thông (không được chuyển nhượng). Sau này, ông Kính đã nhượng nguyên trạng thửa đất cho ông Phiển. Giấy tờ nhượng đất năm 1977 và xác nhận của ông Kính thể hiện nội dung trên. Ngoài ra, bà Ư còn được ông Nguyễn Gia Mạnh xác nhận rằng, ông Mạnh đã từng thuê phần đất của bà Ư, trước cửa nhà ông Phiến để làm cửa hàng len. Sau này, cửa hàng này đã bị phá dỡ do ảnh hưởng hành lang giao thông.
Như vậy, có thể hiểu, tuy không còn công trình trên đất nhưng bà Ư vẫn còn quyền sử dụng đối với diện tích đất khoảng 40 m2, nằm kẹt giữa quốc lộ 21 và nhà ông Phiển. Cùng quan điểm này, ông Hoàng Gia Vĩnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh- khi chủ trì một cuộc họp giải quyết vụ việc đã kết luận, “giá trị đền bù về đất thì bà Ư được hưởng; giá trị đền bù phần đất vượt lập và tài sản, cây cối thì gia đình ông Phiển được hưởng. Nếu gia đình ông Phiển không nhất trí thì tiền đền bù gửi vào tài khoản của Hội đông đền bù GPMB huyện, chờ hai gia đình thống nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.
Tuy nhiên, mới đây, khi trao đổi với phóng viên, ông Vĩnh lại cho biết diễn biến ngược lại, “thực hiện ý kiến của tỉnh, chúng tôi đã chuyển trả toàn bộ tiền đền bù cho gia đình ông Phiển”. Khi được hỏi “tại sao huyện lại tiến hành trả tiền khi đã có quan điểm rằng, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết?”, ông Vĩnh cho hay, “Nếu bà Ư muốn đòi tiền thì khởi kiện ông Phiến ra tòa để Tòa ra phán quyết”.
Với nội dung trả lời trên, không biết ông Vĩnh đã coi “ý kiến của tỉnh” hay “phán quyết của tòa” là có hiệu lực trong việc giải quyết vụ việc này?
Có thể thấy rằng, việc khiếu nại về đền bù trong giải phóng mặt bằng của bà Ư là một khiếu nại hành chính. UBND huyện Trực Ninh là cơ quan đầu tiên phải thụ lý giải quyết thì tại sao cơ quan này hết “đẩy” lên tỉnh xin ý kiến rồi lại “khuyên” dân kiện nhau ra tòa? Đang từ mối quan hệ giữa dân và cơ quan hành chính thì UBND huyện Trực Ninh lại đẩy người dân đến chỗ tranh chấp nhau, liệu đây có phải là chuyện “ném thóc cho gà mổ nhau”? 
Hiện nay, tuy biết ông Phiển đã nhận được số tiền đền bù nhưng gia đình bà Ư vẫn khiếu nại đến UBND huyện Trực Ninh đề nghị được bổ sung phần tiền đền bù cho diện tích đất hơn 40 m2 còn thiếu của gia đình mình. Đại diện gia đình bà Ư cho hay, ít nhất thì gia đình cũng phải được đền bù 20 m2 vì căn cứ bản đồ 299 (năm 1985) thì bà Ư đã mang tên tại thửa đất số 326, nằm giữa thửa đất nhà ông Phiển và Quốc lộ 21 (đúng vị trí có cửa hàng len trước đây). Tại sao chính quyền cố tình lờ đi chứng cứ quan trọng này rồi đem tiền trả cho gia đình ông Phiển?                                                            
Khoa Lâm

Đọc thêm