Vì giống nòi, đừng để nhúng thực phẩm vào hóa chất

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng thả lỏng về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ nguy hiểm cho giống nòi, phải có cách quản lý vì tình hình hết sức báo động.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được cử tri quận 4, TP HCM liên tục đề cập tại buổi báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội TP đơn vị 1 vào sáng 6/12.
“Còn bộ trưởng vô cảm!”
Cử tri Nguyễn Trọng Nhường (phường 8) búc xúc: “Nay chăn nuôi, trồng trọt đâu đâu cũng sử dụng chất cấm, thuốc độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Dân ta đang hại chính dân ta, vì lợi nhuận mà làm ăn bất chính. Nhà nước phải có biện pháp để ngăn chặn tình hình này”. Ông Nhường đề nghị cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm luật về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chăn nuôi, trồng trọt đến chế biến. Nếu tỉnh, thành nào để xảy ra tình trạng trên thì người lãnh đạo cao nhất nơi đó phải chịu trách nhiệm.
Cử tri Chung Cường Sanh (phường 2) cho biết ông thất vọng với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trả lời một cách vô cảm về tình hình sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Sanh bày tỏ. Theo ông, kỳ họp vừa rồi, đại biểu Quốc hội đã mang tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến chất vấn các bộ trưởng nhưng tiếc thay, một số vị trả lời vòng vo. “Tôi mong nhiệm kỳ tới chọn được những người có đức, có tài để điều hành đất nước và cống hiến hết mình cho Tổ quốc” - cử tri Sanh gửi gắm.
Trước sự lo lắng của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đây là chuyện rất bức xúc mà ông nhận được trong 3 buổi tiếp xúc cử tri ở TP HCM. 
Theo Chủ tịch nước, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nghiêm trọng, gay gắt hơn dù cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát. Tình trạng này giờ tràn lan, hóa chất được bày bán tự do. Kinh khủng đến nỗi một đại biểu Quốc hội phải thốt lên rằng tôi lạy các ông, các bà đừng nhúng thực phẩm vào hóa chất, thuốc trừ sâu. 
Khi nghe bà con phản ánh, tôi suy nghĩ rất nhiều, phải có cách quản lý, chứ cứ thả lỏng là rất nguy hiểm cho giống nòi. Chúng tôi xin ghi nhận đề tài quan trọng này, sẽ kiểm tra lại và bàn với cơ quan chức năng tìm cách xử lý bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm vì tình hình hết sức báo động” - Chủ tịch nước bày tỏ.
GDP tăng 1, nợ công tăng 3
Vấn đề nợ công tăng nhanh cũng nhận được nhiều ý kiến của cử tri quận 4. Nhắc lại chuyện nhiều công trình bỏ hoang, xây trụ sở hành chính cả ngàn tỉ đồng, trong khi đời sống người dân, nhất là vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, cử tri Phan Thị Bạch Tuyết (phường 14) cho rằng 2 hình ảnh tương phản này làm cho người dân xót xa, lòng dân không an. 
“Rõ ràng chống lãng phí trong điều hành của Chính phủ là chưa đạt yêu cầu và việc này ngày càng trầm trọng” - bà Tuyết nhận định. Cử tri Lê Ngọc Long (phường 14) đề nghị cần kiểm soát nợ công, nếu không tình hình sẽ đi vào ngõ cụt.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận thành tựu 30 năm đổi mới là rất lớn nhưng cũng nổi lên nhiều vấn đề, trong đó có nợ công. Nợ công đang tăng nhanh, GDP tăng khoảng 6%/năm thì nợ công tăng từ 18-20%/năm. 
“Nói điều này chúng tôi thấy lỗi của mình nhưng cũng mong bà con giám sát các hoạt động ở tại cơ quan, đơn vị. Địa phương cũng phải nhắc nhở nhau trong chi tiêu, phải tiết kiệm, đừng để xảy ra những chuyến đi nước ngoài vô bổ, dân phản ứng kinh khủng, bất lợi về chính trị ghê gớm” - Chủ tịch nước nhắn nhủ.
Theo Chủ tịch nước, nguyên nhân sâu xa làm nợ công tăng là nhiều dự án không hiệu quả, có dự án khi đi kiểm tra thì tiết kiệm được mười mấy ngàn tỉ đồng. “Những điều này chúng tôi thấy hết nhưng “phanh” nợ công lại không phải là chuyện đơn giản vì có nhiều công trình phải làm. Giờ phải làm đúng quy định thì mới cải thiện được tình hình” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đọc thêm