Bị cáo bị kết án 42 tháng tù giam, nhưng các chứng cứ để kết tội bị cáo trong hồ sơ vụ án thì rất mù mờ. Dư luận đặt nhiều nghi vấn đằng sau việc khép tội với bị cáo...
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Thành uất ức, nấc nghẹn kêu oan liên tục vì cho rằng mình hoàn toàn không có tội, có chăng cũng chỉ là vi phạm nội quy của cơ quan mà thôi. Tuy nhiên, cả hai cấp xét xử ở Đồng Nai vẫn kết tội Thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bỗng dưng… bị khởi tố
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Tiến Thành sinh năm 1983 ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vốn là nhân viên hợp đồng của phòng Tài nguyên – Môi trường (TNMT) huyện Xuân Lộc. Tháng 2/2011, Thành được vợ chồng anh Trần Xuân Nam và Nguyễn Thị Hà liên hệ nhờ lấy nhanh giấy tờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do là chỗ thân quen nên Thành đã đồng ý lấy giúp. Tuy nhiên, giữa vợ chồng Nam và Thành không hề có thỏa thuận về thời gian cũng như tiền bạc.
Tháng 7/2011 (khoảng 5 tháng sau khi được vợ chồng Nam nhờ), Thành mới đi mượn hồ sơ tính thuế của vợ chồng anh Nam từ anh Điệp- là nhân viên thẩm định hồ sơ của phòng TNMT huyện Xuân Lộc để xem. Trong bộ hồ sơ này đã có 2 giấy CNQSD đất của vợ chồng anh Nam đã được huyện Xuân Lộc cấp mới, nhưng do chưa có thông báo của Chi cục thuế về nộp thuế nên chưa thể lấy ra được.
Đến tháng 12/2011, Thành đã đến Chi cục thuế huyện Xuân Lộc xin phô tô 2 giấy nộp thuế của vợ chồng anh Nam. Khi có trong tay giấy báo số tiền thuế phải nộp, khoảng một tuần sau, Thành đã đưa đến báo cho vợ chồng anh Nam biết. Do bận rộn nhiều công việc và để thuận tiện, vợ chồng anh Nam đã đưa số tiền như thông báo là 256 triệu đồng nhờ Thành đóng giúp để lấy 2 sổ đỏ về.
Tuy nhiên, do nhà có việc cần tiền nên Thành đã lấy số tiền đó đưa cho mẹ mình sử dụng trước với suy nghĩ sẽ trả sau vì đây là tiền thuế nên cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm, có chăng thì chịu thêm lãi suất chậm nộp là cùng. Cũng với suy nghĩ đó, Thành đã tự ý lấy 2 sổ đỏ trong hồ sơ mà Thành đã mượn của Điệp để đưa cho vợ chồng anh Nam.
Đến tháng 7/2012, khi nghe tin mình chưa đóng thuế cho 2 mảnh đất trên, anh Nam đã gọi điện hỏi (chứ không đòi tiền) Thành thì Thành thừa nhận là chưa đóng và hứa sẽ đi đóng ngay. Đúng như lời hứa, khoảng một tháng sau Thành đã đóng đủ số tiền 256 triệu đồng đó cho chi cục thuế huyện Xuân Lộc thay vợ chồng anh Nam, mà không bị truy thu thêm phần thuế chậm nộp theo quy định. Phía vợ chồng anh Nam cũng không thắc mắc, khiếu nại gì đối với Thành.
Sự việc tưởng chừng chỉ đơn giản là thế, nhưng sau đó 4 tháng (tức tháng 11/2012), cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Xuân Lộc đã ra quyết định khởi tố và bắt Nguyễn Tiến Thành để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến gia đình cũng như dư luận ngỡ ngàng.
Hình sự hóa việc dân sự?
Cả cơ quan điều tra công an lẫn Viện Kiểm sát Xuân Lộc đều cho rằng Thành có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng anh Nam với số tiền 256 triệu đồng. Với số tiền đó, Thành bị truy tố theo khoản 3 điều 139 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Tháng 5/2013, Thành bị TAND huyện Xuân Lộc đưa ra xét xử sơ thẩm. Cũng với nhận định các hành vi của Nguyễn Tiến Thành đã có đầy đủ căn cứ xác định Nguyễn Tiến Thành phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, đã khắc phục xong hậu quả… nên HĐXX đã tuyên 42 tháng tù giam dưới khung hình phạt. Sau đó Thành kháng cáo kêu oan nhưng cũng bị cấp phúc thẩm bác bỏ và tuyên y án sơ thẩm.
Phía luật sư bào chữa cho bị cáo, cũng như nhiều người công tác trong ngành pháp luật khi được xem hồ sơ vụ án đều cho rằng không có cơ sở để kết tội đối với Thành bởi lẽ: Xét về lý thuyết thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bắt buộc phải có đủ 2 yếu tố cơ bản là bị cáo phải có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối đó phải xuất hiện trước khi nhận được số tiền chiếm đoạt.
Thứ 2 là bị cáo phải cố ý chiếm đoạt tài sản đó, nhưng trong hồ sơ vụ án này thì Nguyễn Tiến Thành hoàn toàn không có bất kỳ thủ đoạn gian dối nào để thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền của vợ chồng anh Nam vì Thành đã thông báo cụ thể chính xác số tiền 256 triệu đồng tiền thuế phải nộp, chứ không thông báo thêm hay nhận thêm bất cứ thứ gì của vợ chồng anh Nam.
Thành cũng đã giao đúng 2 sổ đỏ cho vợ chồng anh Nam, mà không hề làm giả hay gian dối. Quan hệ nhờ vả giữa vợ chồng anh Nam và Thành là minh bạch, ngay thẳng và hợp pháp. Thành cũng không hề có ý định chiếm đoạt số tiền của vợ chồng anh Nam, mà chỉ là chưa đóng tiền này cho cơ quan thuế. Khi được anh Nam nhắc nhở thì Thành đã đóng ngay. Hơn nữa khi nhờ vả, vợ chồng anh Nam cũng không nói gì về thời gian phải đóng thuế…
Như vậy, nếu xác định Thành phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải làm rõ Thành đã lừa đảo ai?. Khi nào?. Thủ đoạn như thế nào?. Và ai là người bị hại?. Rõ ràng trong vụ án này không thể xác định được các yếu tố nêu trên vì Thành không gian dối, không chiếm đoạt của ai, vì phía ông Nam không có thiệt hại gì, không có bất cứ tố cáo nào.
Cụ thể ở trong các bút lục lời 88 và 89 của ông Nam đều xác nhận: “Vụ việc trên nghĩa vụ của tôi về thuế là xong, hồ sơ tôi đã nhận đầy đủ, tôi không có thắc mắc khiếu nại gì…”. Nếu nói làm thiệt hại cho nhà nước cũng không có cơ sở, bởi lẽ khi Thành lên nộp thuế đã không bị truy thu thêm phần chậm nộp…
Từ diễn biến sự việc và qua những phân tích nêu trên cho thấy Thành có phạm tội như đã bị khởi tố, truy tố và xét xử hay không?. Hay đó chỉ là vi phạm nội quy làm việc của cơ quan vì đã tự ý lấy sổ giao cho người khác khi chưa được sự đồng ý của cấp trên, nếu có thì có đến mức xử lý hình sự hay chỉ xử phạt hành chính, kỷ luật lao động?.
Vậy, tại sao Thành lại bị khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như các cơ quan tố tụng ở huyện Xuân Lộc và Đồng Nai đã thực hiện?. Phải chăng đằng sau vụ án này còn có uẩn khúc, định kiến cá nhân nào đó?. Mong rằng khi được giám đốc thẩm, vụ án sẽ được làm sáng tỏ xem Thành có tội hay đã bị cố tình ghép tội?.
Ngọc Quý