Đoạn clip người tài xế thử nghiệm nồng độ cồn sau khi ăn vải khiến nhiều người xôn xao.
Cụ thể, trước khi ăn vải, mức cồn trong máu người tài xế được báo ở mức 0.
Tiếp đó, anh này ăn ba quả vải rồi thổi vào dụng cụ đo nồng độ cồn thì máy báo có cồn trong máu. Cả hai lần thử nghiệm đều cho thấy, càng ăn nhiều vải thì nồng độ cồn càng tăng cao.
Thông tin này khiến nhiều người giật mình vì không hiểu tại sao trong máu lại có cồn như uống rượu dù không hề uống? Vì sao ăn vải khiến lượng cồn trong máu tăng cao?
Vải là thức quả được ưa thích trong mùa hè, có chứa một lượng đường lớn, khi để chín quá trong tự nhiên sẽ chuyển hóa thành cồn
Thông tin này được PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải với VTC News như sau: "Không chỉ vải mà bất cứ loại quả nào có đường như mít, sầu riêng, nho,... khi thử nghiệm cũng sẽ có tình trạng này.
Bởi lẽ, trong các loại quả giàu chất đường như vải, khi quả đã chín và rồi để lâu trong tự nhiên, đường trong quả sẽ chuyển hóa thành rượu.
Khi quả lên men rượu, người tài xế ăn vào thì tự nhiên sẽ có lượng cồn trong máu nhất định, khi thổi vào dụng cụ sẽ thấy hiển thị chỉ số nồng độ cồn trong máu.
Tuy nhiên, lượng cồn này rất nhỏ, còn máy đo nồng độ cồn chỉ nhạy cảm với chất cồn, chứ không phân biệt được chất cồn đó là từ nguồn nào".
Theo PGS.TS Thịnh, hiện tượng này không có điểm gì đáng ngạc nhiên hay đáng lo lắng, bởi lượng cồn này rất nhỏ, không đủ để gây say cho cơ thể, không hấp thụ trong máu.
Nhưng mặt khác, vải cũng có một số tác động xấu tới cơ thể, nhất là với những đối tượng có bệnh tiểu đường, béo phì... Do đó, người dân chỉ nên ăn vải với một số lượng vừa phải, đảm bảo sự cân bằng các chất trong cơ thể.