Vì sao cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn “vỡ” tiến độ nghiêm trọng?

(PLO) - Tỉnh Lạng Sơn “kêu”, Bộ GTVT đã họp và viết vô số văn bản đốc thúc nhà đầu tư, nhưng xem ra Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn chưa có “cửa sáng”.
Năng lực tài chính của liên danh nhà đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn liệu “có vấn đề”?

Tiến độ của toàn dự án vì thế khó mà “cán đích” vào năm 2018. Thậm chí, hợp phần tăng cường năng lực mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 thuộc dự án lẽ ra phải hoàn thành trong tháng 9/2016, nhưng tới giờ đã “vỡ” tiến độ.

Tỉnh xác định dự án trọng điểm

Nói chính xác theo Thông cáo mà Bộ GTVT phát đi hồi tháng 7/2015 - lúc khởi công dự án, thì cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lúc đầu dự kiến hoàn thành  năm 2017, thời điểm 2018 là điều chỉnh lại sau này. Thế nhưng, xem cách tổ chức thực hiện của liên danh các  nhà đầu tư thuộc dự án, thì  thấy có nhiều điểm bất ổn. 

Đầu tiên là cuộc “tháo chạy” đầy khó khiểu của Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC là 1/6 thành viên của liên danh, chỉ ít ngày sau khi nó được thành lập; tiếp đó là sự thay đổi tỷ lệ góp vốn của một số thành viên, cộng với những khó khăn về giải ngân tín dụng từ phía nhà tài trợ vốn… khiến cho dự án trị giá hơn 12.000 tỷ đồng này tới nay vẫn chưa thể vận hành trơn tru.

Theo kế hoạch, công trình sẽ xây dựng đường cao tốc quy mô 4 làn xe và tăng cường mặt đường QL1 hiện hữu. Về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng chỉ đạo, riêng hợp phần tăng cường năng lực mặt đường phải xong trong tháng 9/2016, cuối năm nay phải bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà thầu. 

Nhưng thực tế, Ban quản lý dự án An toàn giao thông (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án) và nhà đầu tư vẫn chưa phối hợp bàn giao hồ sơ thiết kế, tài liệu, mốc giới, ranh giới thu hồi đất trên thực địa đối với các vị trí điều chỉnh tuyến để địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB)… 

Trong khi phía tỉnh Lạng Sơn thì xác định Dự án Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500 là một trong những dự án trọng điểm cần tập trung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành các dự án trọng điểm do một Phó Chủ tịch tỉnh này làm Trưởng ban… Do vậy, UBND tỉnh này mới đây buộc phải có văn bản “kêu” Bộ chủ quản để phản ánh về thực trạng chậm trễ và “lụt” tiến độ nghiêm trọng.

Sau khi thực địa, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (thứ 3, phải qua) từng chỉ đạo hoàn thành nâng cấp mặt đường QL1 trong tháng 9/2016

Nhà  đầu  tư  chưa bố trí đủ vốn

Không chỉ có vậy, theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù các sở, ngành và địa phương vào cuộc rất rốt ráo nhưng nhà đầu tư BOT vẫn chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo các phương án đã được phê duyệt, gây khó khăn cho tỉnh trong công tác GPMB.

Từ những phản ánh này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường mới đây lại tức tốc ký văn bản 14949/BGTVT-CQLXD chỉ đạo Ban Quản lý dự án an toàn giao thông và liên danh nhà đầu tư: “Phải có kế hoạch về vốn thực hiện dự án, trong đó ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chuyển cho địa phương triển khai công tác GPMB…”. Ngoài ra, Bộ này còn chỉ đạo bố trí đủ nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công phần nâng cấp mặt đường QL1 đang dang dở.

Tuy nhiên, 2 yêu cầu nói trên của Bộ GTVT lại phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của nhà đầu tư, trong khi như PLVN từng phản ánh, sau khi doanh nghiệp  dự án này được thành lập việc huy động vốn vay thương mại từ các tổ  chức tín dụng đã gặp nhiều khó khăn, dù trước đó đại diện nhà đầu tư khẳng định họ đã đạt được thoả thuận với Ngân hàng BIDV về một khoản vay trị giá chừng 5.000 tỷ đồng. 

Hiện tại, không biết nhà tài trợ vốn đã giải ngân khoản tín dụng nói trên? Chỉ biết mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường quản lý rủi ro khi cho vay các Dự án BOT giao thông. Theo đó, cơ  quan quản  lý  Nhà  nước về lĩnh vực tiền tệ yêu cầu các tổ chức tín dụng phải sàng lọc, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp; các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng… để thực hiện việc cho vay.

Ở đây, liệu liên danh nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có vượt được “cửa” của các ngân hàng thương mại để nhận khoản tín dụng tương đương 87% giá trị dự án (13% là vốn chủ sở hữu)? Chỉ thấy hiện tại, nhà đầu tư đang bị tỉnh và bộ đốc thúc thu xếp vốn để tiếp tục dự án.

Có dư luận về sự “sang tay” dự án?

“Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tang cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng giá trị đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Tuyến đường có bề rộng 25m, 4 làn xe cơ giới. Tuyến QL1 giữ nguyên cấp đường hiện tại. Thời gian thu phí hoàn vốn 21 năm. 

Đáng nói, sau  khi xảy ra một số biểu hiện bất thường trong tổ chức liên danh dự án, dư luận “xì xào” về việc có sự “sang tay” ở dự án này? Bộ GTVT vì thế đã chỉ đạo không để xảy ra tình trạng bán chác dự án.”

Đọc thêm