Vì sao châu Âu đặt chế độ nhập ngũ bắt buộc?

(PLO) -Khắp châu Âu, hàng chục nghìn thanh niên trẻ - thậm chí có cả nữ giới - có thể sớm bị gọi nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nước họ. Chế độ tòng quân bắt buộc đã được bãi bỏ dần ở các nước châu Âu sau Chiến tranh Lạnh nay đang được áp dụng trở lại. Vì sao?
Thanh niên trẻ ở Nga bị buộc phải phục vụ trong quân ngũ trong 12 tháng.
Thanh niên trẻ ở Nga bị buộc phải phục vụ trong quân ngũ trong 12 tháng.

Đức, Pháp, Ba Lan và Thuỵ Điển nằm trong số những quốc gia đang tranh luận về việc tái áp đặt chế độ nhập ngũ bắt buộc. Ukraine và Litva đã thông qua các điều luật để chính thức hóa chế độ này, trong khi Phần Lan - vốn là nước vẫn giữ nguyên chế độ tòng quân bắt buộc lâu nay - giờ đây áp dụng chế độ này cho cả nữ giới lẫn nam giới.

Khơi “niềm tự hào dân tộc”

Bên cạnh lý do nhiều quốc gia đang phải xem xét lại chiến lược của mình đối với chế độ tòng quân cũng như khả năng quốc phòng, theo Daniel Keohane - một nhà nghiên cứu cao cấp làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc trường Đại học ETH Zurich (Thuỵ Sỹ) - động thái sửa đổi chế độ nghĩa vụ quân sự còn được cho là nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Victoria Bethlehem, Phó Chủ tịch cao cấp thuộc Công ty tuyển dụng Adecco Group, nói: “Các ứng viên học được những kỹ năng bổ ích và thu về cho mình những trải nghiệm quý giá trong thời gian tại ngũ. Đó là những kỹ năng họ có thể mang theo trên con đường sự nghiệp sau này”. David Hubbard, người London, cũng có cùng suy nghĩ.

Là người mang hai quốc tịch Anh và Phần Lan, David đã có thể tận dụng lợi thế có hai quốc tịch để đi học và tránh nghĩa vụ quân sự tại Phần Lan. Tuy nhiên, David lại nắm lấy cơ hội này vì cho rằng điều đó sẽ giúp anh ta "nổi bật" hơn khi tìm việc làm sau đại học. David nói: “Tôi nghĩ đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Ban đầu mọi thứ khá khó khăn, tôi không thạo tiếng Phần Lan và tôi không hiểu những gì đang xảy ra, nhưng mọi thứ trở nên dễ dàng hơn sau đó và tôi học cách thích nghi tốt hơn trong những tình huống khó khăn”.

“Núp bóng” tiền

Thực hiện nghĩa vụ quân sự ở các nước khác không phải lúc nào cũng dễ chịu như vậy, nhiều thanh niên trẻ và gia đình đã làm mọi cách để tránh đi lính. Các thanh niên trẻ ở Nga bị buộc phải phục vụ trong quân ngũ trong 12 tháng, tuy nhiên, gần một nửa số thanh niên trẻ được cho là đã hối lộ hoặc tiếp tục học cao hơn để không phải đi lính. Sau khi Nga can thiệp quân sự tại Syria và gia tăng hoạt động quân sự dọc biên giới nước này, Moskva đang có các biện pháp để chấn chỉnh tình trạng trốn nhập ngũ và cải thiện hình ảnh quân đội nước này để thu hút thêm tân binh.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả những thanh niên trẻ, ngoại trừ những người không đủ điều kiện sức khỏe hoặc là người duy nhất chu cấp cho cả gia đình, đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, những người có tiền vẫn có thể tránh nhập ngũ bằng cách thuê các bác sĩ viết giấy tờ xét nghiệm giả. Chính phủ đôi lúc cũng cho phép các đối tượng nhập ngũ đóng tiền thay cho việc đi lính.

Hiện nay, đối với những công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã sống, làm việc hoặc học tập ở nước khác trong hơn 3 năm, họ có thể trả 1.000 euro (khoảng 1.096 USD) để được miễn nghĩa vụ quân sự hoàn toàn. Những người vẫn sống trong nước phải trả một khoản tiền cao hơn nhiều, 18.000 lira (tương đương 5.813 USD), khiến họ rơi vào cảnh nợ nần trong nhiều năm. Việc không trình diện khi được yêu cầu nhập ngũ có thể bị phạt 100 lira (tương đương 32 USD). Khoản phạt này sẽ tăng gấp đôi mỗi lần họ bị tòa triệu tập.

Potkin Azarmehr, một nhà hoạt động người Iran hiện đang sống tại Anh, nói rằng rất nhiều người nghèo tại Iran tránh nhập ngũ bằng cách ra nước ngoài. Nhiều người khác chọn cách trả tiền, cho dù không phải lúc nào họ cũng có thể làm điều này, và khoản tiền yêu cầu để tránh nhập ngũ cũng thay đổi thường xuyên. Potkin nói: “Những người có tiền có thể ra nước ngoài, quay về và dùng tiền để tránh nghĩa vụ quân sự, trong khi những người khác phải ở lại và phải đi lính”.