Thế là sau khi lưu hành thuốc “không dùng cho người” để chữa trị cho người thì nay thuốc chữa trị động vật cũng bị làm giả. Đáng thương thay cho các con vật bị ốm nhưng những người chủ của nó càng đáng thương hơn.
Khủng khiếp nhất là người ta ký cho nhập và sản xuất các loại thuốc gây ung thư (vừa có công văn đình chỉ loại thuốc này), cũng như trước đây ký cho nhập hàng tấn chất cấm để người ta chế biến thức ăn tăng trọng cho lợn và gây ung thư cho người. Đó không còn là sự lừa đảo đơn thuần nữa mà đó là tội ác – đầu độc đồng bào qua con đường thực phẩm.
Các tỉnh vùng sâu, vùng xa là đối tượng được nhắm tới để tiêu thụ thuốc thú y giả. Hầu hết các hàng giả hàng nhái đều về những nơi dân trí còn thấp này. Ngay cả bán hàng đa cấp, hàng xiếc rong mang danh đoàn nghệ thuật, những kẻ giả danh tổ chức từ thiện... cũng đổ về đây và dễ dàng lừa đảo khi được cấp chức năng ở địa phương cho phép “hội thảo”, “biểu diễn” hoặc các vị chủ tịch của hội nọ, hội kia giới thiệu để bọn chúng đến lừa đảo các thành viên hội mình.
Đến cả người chụp ảnh rong cũng nhân danh công ty liên hệ để đến chụp chân dung, kỷ yếu “miễn phí” và tự sáng tác ra những “bảng vàng”, “ghi công”, “chứng nhận” nọ kia để lừa các ông già, bà cả hưu trí hoặc tệ hại hơn là lừa cả những người khuyết tật, trẻ em và cả các hộ gia đình đối tượng chính sách hoặc nghèo đói.
Mà không cứ nơi “dân trí thấp” mới bị lừa đảo, ngay tại thành phố năng động như TP HCM có hàng chục cái gọi là Trung tâm giới thiệu việc làm, lừa đảo rất nhiều người có nhu cầu đi lao động nước ngoài.
Các Trung tâm đó ngang nhiên hoạt động lừa đảo ngay trước mắt chính quyền và đến khi một đại biểu HĐND thành phố bức xúc nêu vấn đề này giữa hội nghị thì chính quyền vẫn chưa có một động thái dứt khoát để dẹp bỏ các “trung tâm lừa đảo” này.
Không chỉ người mua hàng qua mạng bị lừa đảo bởi chất lượng hàng hóa thấp mà ngay cả đến một chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Hàn Quốc nhưng phần lớn hàng hóa là “made in China”, hàng Tàu khiến cư dân mạng kêu gọi tẩy chay.
Bọn lừa đảo này nếu không có người “chống lưng” thì không thể tự do lừa đảo đến thế?. Kẻ “chống lưng” không ai khác là những người ký, cho phép hoặc “giới thiệu”. Khi người dân bị lừa, họ hoàn toàn vô can và chả có chút áy náy lương tâm nào.
Cái cách ứng xử này khá thịnh hành và có thể bắt gặp ở bất cứ lĩnh vực hoặc ở bất cứ đâu, lẽ ra với chức trách của mình họ phải chặn ngay những bàn tay lừa đảo nhưng cách hành xử của họ lại khác, họ chìa tay ra với những kẻ lừa đảo đó.